Là giáo viên cốt cán nên được tập huấn 3 ngày trực tiếp bởi các giảng viên sư phạm, được trao đổi, tương tác, giải đáp nhiều băn khoăn, vướng mắc, lại được làm việc nhóm với nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh khác nên cô Phạm Thị Hợp, dạy môn lịch sử địa lý, Trường Tiểu học Tình Húc biết thêm nhiều phương pháp dạy học như: Truy vấn, dạy học theo dự án, mô hình lớp học đảo ngược và các kỹ thuật giảng dạy hỏi đáp, làm việc nhóm, thuyết trình…
“Bản thân tôi được tập huấn trực tiếp, được các thầy cô trường Đại học sư phạm truyền đạt những kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, giúp tôi có những kiến thức để giải đáp cho các giáo viên đại trà. Những bài tập mà giáo viên đại trà hỏi mà ngoài khả năng của mình thì tôi hỏi các thầy cô giáo Đại học sư phạm và được các thầy cô giáo hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi, do đó thuận lợi cho công việc hỗ trợ giáo viên. Phòng giáo dục có sự phân công công việc, chấm bài cho giáo viên kịp thời”, cô Phạm Thị Hợp chia sẻ.
Cô giáo Lương Thị Vân, dạy môn Toán ở Trường THCS Vô Ngại nói rằng, học qua mạng nhưng tính tương tác với đồng nghiệp vẫn được bảo đảm, vì luôn được giáo viên cốt cán nhiệt tình hỗ trợ và có hướng dẫn của thầy cô trường Đại học sư phạm.
Học xong 3 mô đun gồm: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, cô Vân thấy mình tự tin triển khai chương trình mới. Cô Vân đã từng bước áp dụng những kiến thức được học vào thực tế giảng dạy tại nhà trường.
“Tôi thấy rằng, nội dung bồi dưỡng phù hợp với phát triển nghề nghiệp của tôi ở trường phổ thông, đóng góp hiệu quả và nâng cao kết quả học tập của học sinh. Trong quá trình tự bồi dưỡng, có những khó khăn vướng mắc thì bản thân tôi nhận được sự giúp đỡ kịp thời của giáo viên cốt cán. Với hình thức học tập như vậy tôi thấy là thời gian, không gian học rất linh hoạt, chủ động, chỗ nào chưa nắm chắc, tôi có thể học đi học lại. Và với phương pháp học tập trực tuyến như thế này, tôi thấy trình độ công nghệ thông tin của tôi tốt hơn so với trước. Bản thân tôi có những giờ học sáng tạo, đổi mới”, cô Vân chia sẻ.
Còn thầy Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu thì cho rằng, mô hình bồi dưỡng mới với việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin đã khắc phục được tình trạng “tam sao thất bản”, rơi rụng kiến thức sau mỗi lần tập huấn, đặc biệt phát huy thế mạnh và phù hợp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên đôn đốc giáo viên, kiểm tra tiến độ hoàn thành của các thầy cô đại trà. Đến này, các thầy cô giáo đều đã hoàn thành 3 mô đun bồi dưỡng đầu tiên.
“Nhà trường chỉ đạo giáo viên tham gia tập huấn theo đúng kế hoạch cũng như đôn đốc, kiểm tra tiến độ hoàn thành, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo các chuyên đề. Nội dung tập huấn cũng phong phú, có điều kiện để cán bộ, giáo viên xem đi xem lại, trải nghiệm, củng cố những kiến thức, hình thành nhiều kỹ năng cho cán bộ, giáo viên”, thấy Đinh Quốc Tuấn thông tin.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng bồi dưỡng, Phòng giáo dục huyện Bình Liêu cũng đã chủ động lựa chọn, xây dựng đội ngũ cốt cán và tạo điều kiện cho đội ngũ này hoàn thành 3 mô đun bồi dưỡng, đồng thời chủ động phân công giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng qua mạng.
Ông Vi Tiến Vượng – Trưởng phòng GDĐT huyện Bình Liêu cho biết, Phòng luôn khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên thực hiện tốt công tác tự bồi dưỡng theo mô hình bồi dưỡng mới của Bộ giáo dục đào tạo.
“Phòng đã phối hợp với Viettel cấp tài khoản cho giáo viên đại trà. Phân công giáo viên cốt cán để giáo viên đại trà nhận sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán trong việc học tập các mô đun. Phòng giáo dục thường xuyên cập nhật số giáo viên hoàn thành bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, đôn đốc các giáo viên chưa hoàn thành. 372 giáo viên tiểu học, THCS đã hoàn thành bồi dưỡng 3 mô đun. Phòng giáo viên Bình Liêu đã tổ chức các lớp bồi dưỡng về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, hướng dẫn sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”, ông Vượng cho biết thêm.
Nhờ chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh các cấp ở Bình Liêu đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập. Năm học vừa rồi, hơn 98% học sinh đã hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022, năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, ngành giáo dục Bình Liêu tiếp tục hỗ trợ đội ngũ hoàn thành bồi dưỡng về xây dựng kế hoạch bài học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học với tinh thần đổi mới, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của học trò./.