Ngoài chuyên môn vững, các nghề cảnh sát, y, giáo viên, công tác xã hội… đòi hỏi bạn phải có tình yêu nghề, yêu người.
Công nghệ đang thay đổi mọi thứ, sẽ có rất nhiều nghề biến mất. Nhưng máy móc hay công nghệ phát triển thế nào cũng không thể thay thế mối quan hệ giữa người với người. Những nghề nghiệp giúp tương tác với con người, giúp đỡ người khác sẽ còn tồn tại, hoặc chí ít cũng sẽ chậm bị thay thế.
Để làm những nghề như vậy, bạn cần có lòng trắc ẩn, thể hiện thông qua mong muốn, hành động và nỗ lực của bản thân để giúp người khác vượt qua khó khăn. Dưới đây là 10 nghề nghiệp đòi hỏi lòng trắc ẩn ở bạn.
1. Nghề cảnh sát
Cảnh sát thực thi pháp luật nhằm giữ an toàn cho mọi người, từ những nhu cầu an toàn tối thiểu. Công việc chịu đựng áp lực, nhiều vị trí liên quan đến tính mạng của người khác và bản thân. Vì vậy nghề cảnh sát yêu cầu khắt khe về kỷ luật, sức khỏe tinh thần, thể chất, sự dũng cảm.
Có nhiều cách để bắt đầu với nghề cảnh sát, tuy nhiên việc xét tuyển khá chặt chẽ và yêu cầu cao. Bạn có thể bắt đầu từ việc đi nghĩa vụ, thi vào các trường cao đẳng trong ngành hoặc thi đại học vào Học viện Cảnh sát.
2. Nghề y
Sức khỏe luôn là mối quan tâm đầu tiên của mỗi người. Hệ thống y tế ngày càng hiện đại, nhưng cùng với đó bệnh dịch, ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe ngày càng nhiều. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh luôn cấp thiết. Nghề y vì thế khó có máy móc nào thay thế được.
Do liên quan đến tính mạng con người, nghề này đòi hỏi bạn giàu lòng trắc ẩn, mong muốn giúp người khác. Bạn sẽ chịu nhiều áp lực, căng thẳng về thần kinh, phải làm việc với trái tim nóng nhưng cái đầu lạnh để giữ bình tĩnh. Nghề cũng đòi hỏi sự lựa chọn khắt khe về kiến thức, tinh thần luôn học hỏi, vươn lên.
Để theo nghề, bạn phải có sức khỏe tốt cả về tinh thần và thể chất, tình yêu người, yêu nghề. Bạn phải học về chuyên môn y, có những bằng cấp chứng chỉ, có thời gian làm việc thực tế đủ lâu. Lộ trình phát triển nghề y rất dài, yêu cầu trau dồi chuyên môn liên tục. Việc thi vào các trường y cũng rất khắt khe, điểm xét tuyển bao giờ cũng nằm trong nhóm trường cao điểm nhất.
3. Nghề giáo viên
Sau sự an toàn và sức khỏe thì giáo dục là nhu cầu thiết yếu. Nghề giáo viên luôn được yêu quý và kính trọng, giúp học sinh có nhận thức đúng đắn, có tri thức để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều người cho rằng nghề giáo nhẹ nhàng, ít áp lực và ổn định. Nhưng thực tế không hẳn vậy, bởi giáo dục con người chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay học trong các trường giáo dục đặc biệt.
Mỗi người là cá thể riêng biệt, vì vậy giáo viên phải làm sao để học sinh phát huy hết tiềm năng, tiếp thu được những điều tốt đẹp và trở thành công dân tốt. Đôi khi giáo viên còn cần lập kế hoạch và dạy các bài học phù hợp với nhu cầu và khả năng cụ thể của từng học sinh.
Hiện tại có rất nhiều cách để trở thành giáo viên như làm gia sư, giảng dạy ở trung tâm. Tuy nhiên, nếu thực sự nghiêm túc và theo đuổi nghề này thì bạn nên học một cách bài bản và được cấp các chứng chỉ liên quan đến nghề vì sản phẩm tạo ra chính là những công dân cho tương lai.
4. Nhân viên công tác xã hội
Xã hội ngày càng phát triển thì các công tác xã hội ngày càng được quan tâm và nói đến nhiều hơn. Nghề nhân viên công tác xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của cá nhân và cộng đồng.
Nghe có vẻ mơ hồ nhưng thực ra nghề này xuất hiện rất nhiều xung quanh bạn, từ những cô chú anh chị tổ dân phố đến động viên và chia sẻ khi bạn gặp khó khăn hay những người làm dự án giúp trẻ em và phụ nữ vùng cao. Ngoài ra họ cũng có thể là những người nghiên cứu và tìm giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng, phát triển và đánh giá chính sách xã hội.
Nhân viên công tác xã hội thường làm việc trong các tổ chức của nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ, có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc và giúp nhiều người.
Có nhiều cách để làm công tác xã hội, nhưng để biến nó trở thành một nghề thì phải có khát khao giúp người khác và chuyên môn sâu về vấn đề nào đó trong xã hội, ví dụ công tác xã hội, y tế, sức khỏe, giáo dục hay tâm lý…
5. Nghề thẩm mỹ
Làm đẹp sẽ là nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển. Công việc trong nghề này chia ra rất nhiều cấp độ, từ việc giới thiệu các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da… đến cung cấp dịch vụ chăm sóc tóc, da cho khách hàng, cao hơn nữa là các chuyên gia hay bác sĩ thẩm mỹ.
Những người làm nghề này giúp mọi người trở nên xinh đẹp và tự tin. Vì vậy, ngoài việc tiếp xúc với người khác thì chuyên gia thẩm mỹ thường xuyên tiếp xúc với cái đẹp và cập nhật kiến thức, xu thế mới. Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có con mắt thẩm mỹ và chất nghệ thuật khi làm nghề.
Ở mức độ khởi đầu, có thể bạn chưa cần chương trình đào tạo chính thống. Hãy bắt đầu học tập từ môi trường thẩm mỹ được cấp phép hay một trường nghề. Ở mức độ cao hơn, bạn cần đầu tư và đào tạo bài bản. Việc đầu tư để trở thành chuyên gia tư vấn hay bác sĩ thẩm mỹ sẽ tốn kém cả thời gian và chi phí.
Một lời khuyên từ những người thành công trong nghề là học tập chăm chỉ, vừa làm vừa lấy tiền để đầu tư học tiếp.
6. Nghề chuyên gia dinh dưỡng
Sức khỏe tốt dẫn đến hạnh phúc và nó bắt đầu từ những điều cơ bản: thực phẩm, dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng thường làm việc với cá nhân hoặc nhóm để cung cấp thông tin, tư vấn và nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng, thực phẩm và sức khỏe; đưa ra và thực hiện các kế hoạch cho bữa ăn nhằm cải thiện dinh dưỡng của cá nhân hoặc gia đình.
Các bác sĩ dinh dưỡng làm việc trong bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão, trường học, tổ chức nghiên cứu, thể thao… Đây là nghề không mới nhưng chưa được nhiều người biết đến, cho dù gần đây đã có nhiều người làm nghề và nhiều bạn trẻ quan tâm. Để làm nghề, bạn phải qua đào tạo và có một số chứng chỉ.
7. Nghề huấn luyện viên cá nhân (PT)
Có sức khỏe và vóc dáng chuẩn là mối quan tâm từ rất lâu của nhiều người. Không phải cá nhân nào cũng có thể tự làm được điều này vì vậy họ cần được tập luyện bài bản, một chút áp lực và một chút động lực. Huấn luyện viên cá nhân được biết đến với cái tên tiếng Anh Personal Trainer (PT).
Các PT giúp khách hàng đạt được mục tiêu sức khỏe, vóc dáng và thể chất thông qua việc đánh giá thể chất, xây dựng và thực hiện các chương trình tập luyên, truyền cảm hứng cho khách để theo đuổi lối sống lành mạnh.
Mặc dù chưa có những yêu cầu nhất thiết về bằng cấp, để trở thành PT cũng có rất nhiều thách thức. Ngoài việc khỏe mạnh, thể hình đẹp, năng động thì PT cần có kiến thức tổng hợp về huấn luyện, dinh dưỡng, y tế… và các kỹ năng như giao tiếp, giảng dạy, tâm lý.
8. Nghề hướng nghiệp
Mỗi người trong những giai đoạn khác nhau của sự nghiệp từ khi học phổ thông, đại học, đi làm rồi về hưu đều có những vấn đề riêng. Bạn sẽ có những thời điểm căng thẳng nhất định, nhất là khi đứng trước bước ngoặt lớn như chọn trường, chọn ngành, thay đổi công việc, cơ hội phát triển sự nghiệp…
Những lúc như vậy, cố vấn nghề nghiệp sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, tìm được lối ra và có sự lựa chọn tốt nhất. Người cố vấn hay định hướng cũng tư vấn, hỗ trợ về sự chuyển đổi hay phát triển nghề nghiệp, công việc, giúp bạn thực hành kỹ năng trong quá trình tìm việc, làm việc và phát triển bản thân.
Những cố vấn nghề nghiệp thường xuyên được tiếp xúc và giúp nhiều người, có thể làm việc trong trường học, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay làm tự do. Những người này có nhiều mối quan hệ chất lượng, thường được tin tưởng và cũng có thể ảnh hưởng lớn đến người khác.
Nghề hướng nghiệp được ví như bác sĩ về sự nghiệp, một sai sót cũng có thể giết chết sự nghiệp của một người. Vì vậy việc học tập nghiêm túc là cần thiết, bên cạnh đó cần sự trải nghiệm mới có thể làm tốt. Học tập về tâm lý học hoặc trải nghiệm những công việc tư vấn là khởi đầu tốt cho nghề này.
9. Nghề nhân sự
Con người là tài sản quý giá nhất của bất kỳ tổ chức nào. Nếu những tài sản quý giá không được lựa chọn, chăm sóc và phát triển đúng cách thì có thể trở nên vô giá trị. Nghề nhân sự không chỉ giúp tổ chức có những con người phù hợp, sử dụng và phát triển hiệu quả mà trên hết chính là giúp mỗi người tìm được công việc phù hợp, có thêm động lực làm việc.
Nghề nhân sự ngoài những yêu cầu về chuyên môn cũng phải biết kiến thức tổng hợp về kinh doanh. Những trải nghiệm thực tiễn và hiểu về chính tổ chức đang làm việc là yếu tố cần thiết. Những người làm nghề này phải giữ được sự cân bằng rất tốt vì phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề như: Cân bằng lợi ích giữa tổ chức và nhân viên, cân bằng giữa trái tim và lý trí.
Để có một sự nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, bạn có thể bắt đầu từ việc chọn ngành nhân sự hoặc quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam có rất nhiều chuyên gia nhân sự thành công khi chuyển từ những ngành khác. Có thể bắt đầu nghề từ bất cứ đâu, nhưng cơ bản bạn phải không ngại khó, chăm chỉ để có những trải nghiệm thực tiễn và giữ được sự liêm chính trong công việc.
10. Nghề tâm lý học
Xã hội đang biến chuyển ngày càng nhanh, kèm theo đó là rất nhiều vấn đề mà mỗi cá nhân phải đối mặt như căng thẳng, xung đột, bế tắc… đến những bệnh về tâm lý, thần kinh. Vì vậy nhu cầu xã hội với nghề này ngày càng lớn.
Các nhà tâm lý học có thể giúp mọi người học cách đối phó, vượt qua trở ngại của bản thân. Ngoài kiến thức tâm lý thì nghề này cần vận dụng thành thạo các công cụ, những bài đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, nhận thức, năng khiếu, sở thích, đặc điểm tính cách và chức năng tâm lý thần kinh.
Công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại, điềm tĩnh, cái tâm cũng như khát khao giúp đỡ người khác. Để làm được nghề này, bạn cần học tập và có các chứng chỉ bắt buộc, sự trải nghiệm thực để đủ lâu.
Nguyễn Việt Linh
Chuyên gia định hướng sự nghiệp