Tôi không biết từ bao giờ một giáo viên được tung hô là giỏi qua việc đoán trúng những gì mà đề thi sẽ ra, trúng càng nhiều càng tốt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt một đã diễn ra giữa tình hình dịch Covid-19 căng thẳng. Sau tất cả, điểm thi đã được công bố với rất nhiều điểm 10 ở môn học mà tôi đang dạy – Sinh học. Cùng với việc nhiều điểm 10 hơn hẳn năm trước dù đề thi tương đương, thậm chí có phần khó hơn năm 2020, việc một giáo viên ôn tập với nội dung giống đến 80% với đề thi chính thức của kỳ thi này lại càng được quan tâm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin về việc đang xác minh vụ việc nên chuyện đúng – sai như thế nào, chúng ta sẽ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Ở đây, qua quan sát những bình luận nhiều chiều về vấn đề này ở các diễn đàn, và của các giáo viên, tôi cảm thấy băn khoăn về quan niệm “giáo viên giỏi” ngày nay. Phải chăng giáo viên giỏi là người sẽ đoán được đề thi ra nội dung nào để ôn tập cho học sinh?
Đầu tiên, nếu một người giáo viên dạy giỏi dồn hết tâm huyết của mình để học sinh làm tốt đề thi thì cần phải dạy đầy đủ và đa dạng các kiến thức. Nếu đề thi có nội dung mà giáo viên không dạy cho học sinh hoặc dạy thiếu sót thì không thể là giáo viên giỏi được. Do đó, người giáo viên giỏi sẽ phải có kiến thức sâu rộng. Câu nói “Nhà giáo phải biết mười để dạy một” là như vậy. Điều này đòi hỏi giáo viên phải dạy nhiều và học sinh nào giỏi hơn sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn các học sinh khá và trung bình, đó là điều tất yếu.
Nhưng với nhu cầu hiện nay, tôi đang thấy giáo viên giỏi không cần phải dạy nhiều để phân loại học sinh mà chỉ cần dạy đúng trọng tâm những kiến thức mà đề thi sẽ ra để học sinh giỏi cũng như học sinh chưa giỏi, chỉ cần học tủ là “sẽ chắc chắn được điểm cao”. Điều này làm cho nhiều học sinh có điểm số cao ở mức tối đa, bằng chứng là số điểm 10 ở môn Sinh học cao hơn số lượng điểm 10 ở môn Hóa học và Vật lý. Từ đó, quá trình đánh giá học sinh giỏi và chưa giỏi gặp nhiều khó khăn, trong khi Sinh học vốn là môn học đặc thù của khối thi B00 – khối thi dùng để tuyển các ngành có nhiều học sinh giỏi như Y và Dược.
Thứ hai, việc dạy đúng những gì có trong đề, dù cho đó là đề kiểm tra học kỳ ở trường học luôn dẫn đến nhiều hệ lụy không hay. Vậy, người giáo viên giỏi, theo tôi nghĩ, cần phải biết nhiều để dạy nhiều chứ không cần phải đoán đúng đề thi để dạy theo đề. Thứ hai, quan niệm giáo viên giỏi là đoán được đề thi được ca tụng bởi nhiều giáo viên sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình dạy học ở nhà trường. Vì đoán được đề thi sẽ thể hiện rất rõ chuyện “học để thi”, trong khi triết lý của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
>> Lý do học giỏi vẫn chọn ĐH Sư phạm
Việc học để thi thường được đánh giá qua điểm số của bài thi. Việc học để biết, để làm, để chung sống, để tự khẳng định mình được đánh giá bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng một trong những cách đánh giá tôi thích nhất là cảm xúc của học sinh đối với tiết học. Khi học sinh học để thi, tôi sẽ thường nghe câu hỏi của các em rằng: “Cái này có trong đề thi không thầy?”. Còn nếu học sinh học không để thi thì sẽ hỏi: “Thầy ơi, cái này như thế nào ạ? Nếu… thì sao ạ?”.
Tất nhiên, học sinh học không để thi sẽ có nhiều phẩm chất của một người công dân tốt hơn là tính thực dụng thể hiện rõ trong câu nói của học sinh chỉ học để thi. Người giáo viên giỏi dạy để thi sẽ tập trung vào đề thi hơn là tập trung phát triển cho học sinh những kỹ năng của thế kỷ 21, điều này không ổn. Người giáo viên dạy giỏi nên là người đưa đến cảm hứng học tập cho học sinh chứ không nên là người đưa đến cho học sinh những câu hỏi sẽ ra trong đề thi, cho dù người giáo viên đó có biết đề thi sẽ ra những gì?
Thứ ba, nếu học sinh, phụ huynh và xã hội đánh giá người giáo viên thông qua khả năng dạy trúng đề thi thì sẽ như thế nào khi những giáo viên có năng lực nhưng dạy không trúng đề? Tôi nhận thấy một điều sau 10 năm đi dạy rằng, để học sinh có được kiến thức, cần phải áp dụng nhiều phương pháp, mở rộng, liên hệ nhiều vấn đề gần gũi với cuộc sống của các em, dù biết những gì mình liên hệ và mở rộng sẽ khó có khả năng xuất hiện trong đề thi. Điều này giúp những tiết học sinh động và “khó ngủ”.
Nhưng nếu quan niệm của xã hội rằng, một người giáo viên giỏi phải dạy đúng cái mà đề thi sẽ ra thì tôi nghĩ tiết học sẽ bớt đi nhiều những điều lý thú khi giáo viên không còn liên hệ kiến thức với thực tiễn mà phải để dành thời gian cho học sinh luyện kỹ những gì mà đề thi sẽ có. Cách dạy học này rất dễ tạo ra một thế hệ thụ động nhưng đầy thực dụng. Người giáo viên dạy giỏi nên dành nhiều thời gian để tìm kiếm phương pháp dễ hiểu và hấp dẫn để học sinh mình có kiến thức chứ không nên kiếm tìm những câu hỏi sát với đề thi để mà ôn luyện.
Tôi không biết từ bao giờ, một giáo viên được tung hô là giỏi qua việc dạy trúng những gì mà đề thi ra, càng đúng càng tốt, trúng y nguyên lại càng giỏi.
Từ trước đây và mãi sau này, tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng, một giáo viên giỏi phải được đánh giá qua cảm xúc của học sinh trong tiết học, đặc biệt là tình cảm mà học trò và đồng nghiệp dành cho giáo viên đó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.