1. Mở bài số 1
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt nam hiện đại. Ông là người mở đường tinh anh và thành công nhất của nền văn học thời kì đổi mới. Mang một ước nguyện khám phá con người ở bên trong con người, ông đã mang đến cái nhìn đa chiều các sự việc và con người trong cuộc sống vào tác phẩm của mình. “Chiếc thuyền ngoài xa” cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này của ông. Nhân vật người đàn bà hàng chài được tác giả khắc học và phăm phá bằng cái nhìn đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có khi được hiện lên từ sự quan sát, cảm nhận của nhân vật Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh với tâm hồn nhạy cảm, phong phú, có lúc chị tự bộc lộ mình qua những lời nói, hành động trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Khi khám phá tính cách của người đàn bà hàng chài, ấn tượng đầu tiên Nguyễn Minh Châu muốn đem đến cho người đọc là vẻ ngoài xấu xí, lam lũ cùng với vẻ cam chịu đến nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này ẩn dấu những vẻ đẹp nhân tâm của phụ nữ Việt Nam hiện đại.
2. Mở bài số 2
Muốn biết ý nghĩa của hòa bình, hãy hỏi những người chiến binh vừa trở về từ nơi lửa đạn. Muốn biết giới hạn của thời gian, hãy lắng nghe niềm khao khát còn được nhìn thấy bình minh của những kẻ đang phải mang bệnh hiểm nghèo. Và để cảm nhận được tầm vóc của người phụ nữ Việt Nam, xin hãy nhìn vào sự hy sinh và những giọt nước mắt của những người phụ nữ ấy dành cho gia đình của mình. Và đại diện cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng trước là người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
3. Mở bài số 3
Chân lý là sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan trong bộ óc con người. Vì vậy chân lý sẽ phát triển cùng nhận thức của xã hội. Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên và cũng có những chân lý được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược. Từ những đúc kết ấy Nguyễn Minh Châu đã mang người đọc đến những chân lý mà ông đã gửi gắm trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
4. Mở bài số 4
Nguyễn Minh Châu là người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật, tha thiết kiếm tìm “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trước 1975, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những tác phẩm đậm chất sử thi như: Cửa sông, Miền cháy, Dấu chân người lính. Thế nhưng, sau 1975, chính Nguyễn Minh Châu lại là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Chiếc thuyền ngoài xa được in năm 1983 là một bước tiến dài rất đáng trân trọng trong hành trình khám phá vào tầng chìm, vào chiều sâu của cuộc sống và con người của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.
5. Mở bài số 5
Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một “tuyên ngôn nghệ thuật” nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
6. Mở bài số 6
Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ cách nhìn về cuộc đời của mình qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Cách đặt tên tác phẩm, tên nhân vật và xây dựng hình tượng trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của ông là một ví dụ. Và có lẽ hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.
7. Mở bài số 7
Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.
8. Mở bài số 8
Nguyễn Minh Châu người đã thổi một làn gió mới vào văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Với sự chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người đọc Chiếc thuyền ngoài xa. Nơi mà tác giả gửi gắm những thông điệp đặc biệt mà mình đã trải nghiệm về cuộc sống, con người và đặc biệt là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam.
9. Mở bài số 9
Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bức tranh” và đặc biệt là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết vào những năm đầu thời kì đổi mới. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người:một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu: với cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện độc đáo và sáng tạo.
10. Mở bài số 10
Một trong những cái tên nổi tiếng của làng văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới chính là Nguyễn Minh Châu. Ông được coi là người “mở đường tinh anh và tài năng nhất”. Trước năm 1975, ông là một cây bút sử thi lãng mạn, viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên, sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức, và triết lý chân thực. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy là “Chiếc thuyền ngoài xa”.