Soạn bài Tin học có phải là khoa học
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 97 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
– Đọc trước văn bản Tin học có phải là khoa học?; tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Phan Đình Diệu.
– Tìm đọc và ghi chép lại những thông tin cơ bản, ngắn gọn về Tin học. Hãy cho biết nguồn thông tin mà em đã truy xuất.
Trả lời:
– Tác giả Phan Đình Diệu:
+ GS Phan Đình Diệu sinh ngày 12/6/1936 tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống hiếu học.
+ Ông là giáo sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính của Việt Nam. Ông là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học tại Việt Nam
+ Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán học Tính toán và Điều khiển học. Ông theo đuổi nghiên cứu về Logic toán và Giải tích hàm, cũng như việc xây dựng một nền móng vững chắc của Toán học.
+ GS Phan Đình Diệu luôn đau đáu nghĩ về nền tin học nước nhà vì vậy mà ông luôn tìm tòi chiến lược sâu sắc về con đường phát triển ngành công nghệ thông tin.
– Những thông tin cơ bản, ngắn gọn về Tin học:
+ Khái niệm: Tin học là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu quá trình tự động hóa việc tổ chức, lưu trữ và xử lý thông tin của một hệ thống máy tính cụ thể hoặc trừu tượng (ảo).
+ Một số phân nhánh quan trọng: Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin , Khoa học máy tính , Kỹ thuật máy tính , Kỹ nghệ phần mềm, Mạng máy tính, Tin học kinh tế,..
+ Vai trò: góp phần phát triển kinh tế và nâng cao dân trí; thúc đẩy khoa học phát triển; tạo nên nhiều nhận thức mới về cách tổ chức các hoạt động; góp phần phát triển kinh tế và giúp nâng cao dân trí.
– Nguồn trích dẫn: WordPress.com; Hoc24
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Văn bản đề cập đến ngành Tin học, một ngành phong phú và đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tác giả đã chỉ ra quá trình phát triển của Tin học và những thành tựu to lớn của nó. Qua đó thể hiện sự tác động của Tin đến mọi mặt kinh tế, xã hội và cả nhận thức của con người về thế giới.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu hỏi (trang 98 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tìm câu văn nêu quan điểm của tác giả về ngành Tin học trong phần 1
Trả lời:
“ngành Tin học đã qua bao lần tiến hóa, thay đổi và bổ sung nhiều nội dung mới để trở thành một ngành khoa học thực sự phong phú và đang được tiếp tục phát triển mạnh như hiện nay”
Câu hỏi (trang 98 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Theo tác giả, ngành Tin học đã được gọi bằng những cái tên nào?
Trả lời:
Ngành Tin học đã được gọi bằng những cái tên: Khoa học máy tính, Khoa học tính toán, Khoa học thông tin, Khoa học và Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin.
Câu hỏi (trang 98 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Các dữ liệu thông tin ở phần 3 được sắp xếp theo cách nào?
Trả lời:
Các dữ liệu thông tin ở phần 3 được sắp xếp theo trật tự thời gian của quá trình phát triển và biến đổi của ngành Tin học.
Câu hỏi (trang 100 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Thông tin chính của phần 4 là gì?
Trả lời:
Thông tin chính của phần 4 nói về sự đóng góp của Tin học vào nhận thức của con người về thế giới.
Câu hỏi (trang 100 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Những câu văn nào ở phần này nêu thái độ, quan điểm của người viết về ngành Tin học.
Trả lời:
– “Tin học mang đến một phương pháp mới , tăng thêm sức mạnh cho các phương pháp vốn có của khoa học”
– “cái mới mà Tin học đóng góp vào sự nhận thức khoa học là khả năng mở rộng tầm nhìn và sức mạnh của các phương pháp lí thuyết và thực nghiệm vào những địa hạt phức tạp”
– “Nhiều kết quả mới và đặc sắc trong nhiều lĩnh vực khoa học đã được phát hiện bằng phương pháp mới nói trên của Tin học.”
Câu hỏi (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chức năng của phần 5 trong văn bản là gì?
Trả lời:
Kết luận, khái quát lại vai trò của Tin học với cuộc sống hiện tại ngày nay và trong tương lai.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tóm tắt nội dung của văn bản Tin học có phải là khoa học?
Trả lời:
Tin học được khởi đầu từ khoa học máy tính nhưng nó đã có sự tiến bộ và trở thành một ngành khoa học phong phú và đang tiếp tục phát triển. Vì vậy mà ngành Tin học mang theo rất nhiều tên gọi trong từng giai đoạn khác nhau. Tiếp theo đó, tác giả chỉ ra quá trình phát triển của Tin học và cho ra đời thành tựu to lớn – Máy tính điện tử, phát triển công nghệ viễn thông,…Qua đó, ta thấy Tin học đang tác động lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội và cả nhận thức của con người về thế giới. Tin học tuy là ngành khoa học trẻ nhưng mang nhiều hứa hẹn đóng góp cho con người để nhận thức rõ hơn về cuộc sống đầy phức tạp và bí ẩn.
Câu 2 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Cách đặt nhan đề là một câu hỏi có tác dụng gì? Tác giả đã trả lời câu hỏi đặt ra ở nhan đề của bài viết như thế nào?
Trả lời:
– Nhan đề: Tin học có phải là khoa học?
– Tác dụng: Sử dụng câu hỏi nhằm gây ấn tượng mạnh, xoáy sâu vào tâm trí người đọc, thu hút độc giả tìm hiểu về văn bản để trả lời cho câu hỏi đó.
– Tác giả đã trả lời câu hỏi đặt ra ở nhan đề thông qua việc chứng minh Tin học là một ngành khoa học thực thụ “Tin học được khởi đầu từ khoa học máy tính nhưng nó đã có sự tiến bộ và trở thành một ngành khoa học phong phú và đang tiếp tục phát triển.” Tin học đưa lại nhiều lợi ích, tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội , đặc biệt là đóng góp vào nhận thức của con người về thế giới.
Câu 3 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Trong văn bản, tác giả đã kết hợp sử dụng những phương thức biểu đạt và cách trình bày thông tin nào? Tác dụng của việc kết hợp đó là gì?
Trả lời:
– Các phương thức biểu đạt: Nghị luận và thuyết minh
– Tác dụng: Sự kết hợp hai phương thức nghị luận và thuyết minh giúp việc triển khai, trình bày các luận điểm, luận cứ trở nên cụ thể rõ ràng và sống động hơn. Tăng hiệu quả biểu đạt và sức thuyết phục cho văn bản.
– Cách trình bày thông tin: Rõ ràng, mạch lạc với các nội dung chính được ghi ra rõ ràng. Hệ thống dẫn chứng cụ thể, giúp người đọc dễ dàng nắm được thông tin mà văn bản muốn truyền đạt.
Câu 4 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tác giả thể hiện thái độ, quan điểm như thế nào đối với ngành Tin học? Bằng những hiểu biết của em về ngành Tin học, hãy cho biết thái độ, quan điểm ấy có hợp lí không? Lí giải cụ thể.
Trả lời:
– Ông cho rằng Tin học “trở thành một ngành khoa học phong phú và đang tiếp tục phát triển.” Đối với ông, Tin học có một vai trò to lớn đối với con người “Tin học đang tác động lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội và cả nhận thức của con người về thế giới”và đây là một ngành sẽ mang đến nhiều hứa hẹn trong việc khám phá thế giới.
– Đối với em, quan điểm của ông là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số như hiện nay, Tin học góp phần phát triển kinh tế và nâng cao dân trí, thúc đẩy khoa học phát triển. Ngành Tin học ngày một được trọng dụng và giữ vị trí to lớn, tác động trực tiếp và sâu sắc đến con người.
Câu 5 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nếu được đưa hình ảnh minh hoạ cho nội dung của văn bản Tin học có phải là khoa học?, em sẽ lựa chọn những hình ảnh như thế nào? Vì sao?
Trả lời:
– Nếu được đưa hình ảnh minh hoạ cho nội dung của văn bản, em sẽ lựa chọn những hình ảnh về kĩ thuật số, công nghệ thông tin, mạng lưới, interet, máy tính,…
– Nguyên nhân: Đó chính là những hình ảnh trực quan nhất liên quan đến ngành Tin học, giúp người đọc có hình dung rõ hơn về đối tượng được nhắc đến trong văn bản. Bên cạnh đó, những hình ảnh đó chính là đại diện cho các thành tựu mà ngành Tinh học đã đạt được trong quá trình tồn tại và phát triển.
Câu 6 (trang 101 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Từ trải nghiệm của bản thân, hãy nêu một tác động mà em cho là to lớn và ý nghĩa nhất của ngành Tin học đối với việc học tập của học sinh ngày nay.
Trả lời:
Đối với em, tác động to lớn và ý nghĩa nhất của ngành Tin học đối với việc học tập của học sinh chính là mạng Internet. Một mạng lưới với tốc độ truy cập nhanh và bao chứa vô vàn nguồn thông tin từ khắp mọi nơi trên thế giới. Điều đó đã giúp bản thân em cũng như các bạn học sinh có thêm rất nhiều nguồn tin tham khảo cũng như thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Phụ nữ và việc bảo vệ môi trường
Thực hành đọc hiểu: Tin học có phải là khoa học?
Thực hành tiếng Việt trang 101
Viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc một hoạt động xã hội
Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau
Tự đánh giá: Xô-phi-a Cô-va-lep-xcai-a người phụ nữ phi thường