Giải SGK Kinh tế Pháp luật 12 Bài 13 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên


Giải bài tập KTPL 12 Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Mở đầu trang 97 KTPL 12: Hãy kể lại một số việc em đã làm để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong cuộc sống hằng ngày.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Một số việc em đã làm để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:

+ Không xả rác bừa bãi; thực hiện phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định.

+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa; tăng cường sử dụng các loại túi đựng được làm từ nguyên liệu: giấy, vải,…

+ Tiết kiệm điện, nước,…

+ Tăng cường việc đi bộ hoặc sử dụng xe đạp hay phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện,…) khi di chuyển.

+ Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Ví dụ: hưởng ứng phong trào Ngày Trái Đất; tham gia các hoạt động dọn dẹp rác thải tại địa phương; tham gia Ngày hội “Môi trường Xanh – Nếp sống xanh”,…

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hóa

Câu hỏi 1 trang 99 KTPL 12: Trong trường hợp 1, ông N đã thực hiện quyền, nghĩa vụ gì của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá?

Trường hợp 1. Trong những năm qua, nhà sưu tầm cổ vật N đã sưu tầm được hàng ngàn cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hoá, lịch sử. Phần lớn các cổ vật này được ông lựa chọn để trao tặng cho các bảo tàng, trường đại học để phục vụ trưng bày và giảng dạy. Số còn lại được ông trưng bày tại nhà hàng của mình ở một địa điểm du lịch để phục vụ du khách tham quan miễn phí.

Lời giải:

– Trong trường hợp 1, ông N đã thực hiện quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị di sản văn hoá; quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hoá; quyền và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Câu hỏi 2 trang 99 KTPL 12: Trong trường hợp 2, ông S có vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá không? Vì sao? Hành vi của ông S có thể dẫn tới những hậu quả gì?

Trường hợp 2. Ông S là người được chính quyền xã A giao trông coi đền P-một di tích văn hoá quốc gia có tuổi đời hàng trăm năm, gắn liền với nhiều sự tích về tín ngưỡng của người dân địa phương. Gần đây, do sơ suất trong lúc dọn dẹp vệ sinh, ông S phát hiện đền bị mất trộm nhiều cổ vật có giá trị, tuy nhiên, lo sợ bị trách phạt nên ông không báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.

Lời giải:

– Trong trường hợp 2, hành vi của ông S đã vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, vì:

+ Pháp luật quy định tổ chức, cá nhân quản lí trực tiếp di sản văn hoá có các quyền và nghĩa vụ thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hoá bị mất.

+ Tuy nhiên, khi ông S phát hiện ngôi đền của mình đang trông coi bị mất trộm nhiều cổ vật có giá trị lại cố tình che giấu, không báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời.

– Hành vi của ông S có thể dẫn đến những hậu quả như:

+ Gây chậm trễ trong quá trình truy tìm, thu hồi cổ vật dẫn đến cổ vật bị huỷ hoại, thất lạc không tìm lại được;

+ Gián tiếp dung túng cho kẻ gian tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp cổ vật;

+ Ông S có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật; …

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi trang 101 KTPL 12: Trong các trường hợp trên, chủ thể nào đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên? Vì sao? Theo em, hành vi vi phạm đó có thể dẫn tới những hậu quả gì?

Trường hợp 1. Ông K mới mở một xưởng gia công các sản phẩm nhựa và gỗ ở mảnh đất liền kề nhà chị B. Hoạt động sản xuất từ xưởng gây tiếng ồn rất lớn và tạo ra nhiều bụi nhưng ông K không sử dụng bất kì phương pháp chống ồn, chống ô nhiễm môi trường. Không đồng tình với việc làm của ông K, chị B và những người dân sống xung quanh xưởng gia công đã làm đơn đề nghị chính quyền can thiệp.

Trường hợp 2. Trong khoảng thời gian từ ngày 19-8-2021 đến ngày 22-9-2021, ông T (là quản lí vận chuyển hàng hoá của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường A) đã bàn bạc, thống nhất với ông H và ông S, thông qua một số lái xe của Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường xanh D vận chuyển 630.840kg chất thải từ Công ty A và 34.890kg chất thải từ Công ty X ở khu công nghiệp Z đem đổ ra môi trường. Dưới sự hướng dẫn của ông S và ông H, các lái xe đã đổ 652.295kg chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại xuống bờ sông và đổ 13.435kg chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại ra vệ đường.

Trường hợp 3. Mặc dù không được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản nhưng ông Q đã tự ý sử dụng một số phương tiện, máy móc, tiến hành khai thác cát xây dựng tại khu vực thượng nguồn lòng hồ thuỷ điện Đ để bán cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trong thời gian từ tháng 1-2023 đến tháng 9-2023 ông Q đã thực hiện khai thác khoảng hơn 6.000m3 cát, trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Lời giải:

– Trong trường hợp 1:

+ Ông K đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường vì gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xâm phạm quyền được sống trong môi trường trong lành của những hộ dân xung quanh xưởng gia công.

+ Hành vi của ông K có thể dẫn đến những hậu quả như: gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và cuộc sống bình thường của người dân; gây ô nhiễm không khí; khiến ông K phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật ;…

– Trong trường hợp 2:

+ Ông T, ông H, ông S và những người có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên vì vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kĩ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

+ Hành vi này có thể gây ra những hậu quả như: gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước sông và nguồn nước ngầm; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, cuộc sống của người dân; huỷ hoại hệ sinh thái dưới sông; khiến những người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật ;…

– Trong trường hợp 3:

+ Ông Q đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vì tự ý khai thác, mua bán tài nguyên thiên nhiên khi chưa được cấp phép.

+ Hành vi của ông Q có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hồ thuỷ điện Đ; khiến ông Q phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật ;…

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 101 KTPL 12Em hãy nhận xét việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ di sản văn hoá của các chủ thể trong những trường hợp dưới đây.

a. Trong khi đào giếng, anh T phát hiện một số cổ vật nhưng không thông báo với cơ quan chức năng. Anh làm sạch những cổ vật đó và cất giấu trong nhà để sau này sẽ truyền lại cho con cháu. Anh T chia sẻ với người thân trong gia đình rằng, chỉ có hành vi mua bán, phá hoại cổ vật mới là hành vi trái pháp luật, việc tự giữ gìn, bảo quản các cổ vật là bảo vệ di sản văn hoá.

b. Di tích lịch sử A thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu. Dù là khách trong nước hay khách quốc tế, bà H (quản lí khu di tích) luôn nhiệt tình tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có những trải nghiệm lí thú và thu thập được những thông tin bổ ích, đáp ứng nhu cầu của bản thân.

Lời giải:

– Trường hợp a.

Suy nghĩ và việc làm của anh T là sai trái, vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử – văn hoá; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất.

+ Hành vi của anh T khiến người thân trong gia đình nhận thức sai lệch trong việc bảo vệ di sản văn hoá, khiến các cổ vật không phát huy được giá trị lịch sử, văn hoá vốn có của mình và gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn.

– Trường hợp b.

+ Bà H đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá.

+ Những việc làm của bà H đã gián tiếp phát huy các giá trị tốt đẹp của di tích lịch sử A và tạo điều kiện thuận lợi để du khách gần xa thực hiện quyền tham quan, hưởng thụ, nghiên cứu di sản văn hoá của mình.

Luyện tập 2 trang 102 KTPL 12Em hãy nhận xét việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của các chủ thể trong mỗi tình huống sau.

a. Gia đình chị G mở cửa hàng kinh doanh các loại hoá chất công nghiệp. Gần đây, chị G kiểm hàng và phát hiện một lượng lớn hoá chất bị hết hạn sử dụng nên đã cùng chồng mang số hoá chất đó chôn xuống mảnh đất hoang gần nhà để tiêu huỷ.

b. Cơ sở chế biến thực phẩm của gia đình anh Q xả thẳng nước thải ra môi trường, gây mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Nhiều người dân đã phản ánh và đề nghị gia đình anh Q phải có biện pháp để xử lí nước thải và giảm thiểu mùi hôi, tuy nhiên gia đình anh Q vẫn không thay đổi và tiếp tục xả thải nước bẩn ra môi trường.

c. Khi đi làm rẫy, vợ chồng ông N, bà M phát hiện một mảnh rừng phòng hộ bị các đối tượng xấu đốn hạ để trồng cây keo. Ông N muốn trình báo sự việc với chính quyền địa phương nhưng bị bà M ngăn cản vì bà M cho rằng việc làm đó không ảnh hưởng tới gia đình mình.

Lời giải:

– Tình huống  a.

+ Hành vi của chị G và chồng là sai trái, đáng bị phê phán và vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Hành vi này thể hiện sự thiếu hiểu biết, sự vô trách nhiệm của vợ chồng chị G trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên và có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài đối với môi trường, cũng như sức khoẻ của người dân trong khu vực.

– Tình huống  b.

+ Hành vi của gia đình anh Q là sai trái và vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Hành vi này xuất phát từ thái độ coi thường quy định của pháp luật, dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn không chịu thay đổi, cố ý tiếp tục vi phạm, do đó cần bị xử lí nghiêm.

– Tình huống  c.

+ Hành vi ngăn cản chồng trình báo sự việc rừng bị các đối tượng xấu đốn hạ với cơ quan chức năng của bà M là hành vi ích kỉ, vô trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Hành vi này cản trở người khác thực hiện quyền công dân của mình và gián tiếp bao che, dung túng cho các đối tượng xấu tiếp tục phá rừng, gây nên những hậu quả tiêu cực lâu dài đối với cuộc sống của người dân và đối với đất nước.

Luyện tập 3 trang 102 KTPL 12: Nếu là chủ thể trong các tình huống sau, em sẽ làm gì để thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên?

a. Ngôi đền cổ ở xã của H bị các đối tượng xấu đột nhập trộm một lượng lớn cổ vật có giá trị. Các lực lượng chức năng và người dân địa phương nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa bắt được thủ phạm và chưa thu hồi được các cổ vật. Một lần sang nhà bạn thân chơi, H vô tình bắt gặp anh trai bạn thân đang ngồi đóng gói một số đồ vật có hình dạng giống các cổ vật đã bị đánh cắp ở ngôi đền nên nảy sinh nghi ngờ.

b. Anh P phát hiện nhân viên của doanh nghiệp tư nhân S lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất để nhập khẩu những phế liệu, rác thải không giấy phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.

Lời giải:

– Tình huống  a. Nếu là H, em nên chia sẻ lại sự việc với những người có thẩm quyền để họ tiến hành điều tra, xác minh thông tin và có biện pháp xử lí phù hợp.

– Tình huống  b. Nếu là anh P, em nên thu thập các chứng cứ cần thiết và trình báo sự việc với cơ quan chức năng để có các biện pháp xử lí phù hợp.

Vận dụng

Vận dụng trang 102 KTPL 12: Em hãy cùng các bạn thiết kế hoạt động tuyên truyền những người xung quanh thực hiện phân loại rác thải và tái chế rác thải thành các sản phẩm hữu ích, có lợi cho môi trường.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Kế hoạch tuyên truyền “Thực hiện phân loại rác thải và tái chế rác thải”

– Mục tiêu: nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn tổ dân phố X

– Đối tượng: người dân trên địa bàn tổ dân phố X

– Nội dung tuyên truyền:

+ Luật môi trường 2020

+ Phương pháp phân loại rác thải đúng cách

+ Một số biện pháp tái chế rác thải

+ Lợi ích của việc phân loại và tái chế rác thải đến môi trường và cuộc sống của người dân

– Người thực hiện việc tuyên truyền:

+ Học sinh trường THPT X

+ Chi đoàn Tổ dân phố X (thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường ….)

– Hình thức thực hiện:

+ Tuyên truyền qua đài phát thanh

+ Tuyên truyền thông qua các: Poster, tờ gấp pháp luật, tập san… Ví dụ:

Em hãy cùng các bạn thiết kế hoạt động tuyên truyền những người xung quanh thực hiện phân loại rác

– Thời gian:

+ Tuyên truyền qua đài phát thanh: thực hiện vào đầu giờ buổi sáng (6 giờ – 7 giờ 30 phút) và cuối giờ chiều (17 giờ – 18 giờ 30 phút) các ngày trong tuần.

+ Tuyên truyền thông qua Poster,…: thực hiện vào các ngày cuối tuần (HS đi tới từng gia đình các hộ dân trong tổ dân phố để tuyên truyền, hướng dẫn,…)

– Kết quả dự kiến:

+ Người dân có thêm hiểu biết thêm về Luật môi trường

+ Người dân chủ động thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn; tái chế rác thải thành các vật dụng hữu ích,…

Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập

Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an sinh xã hội

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ di sản văn hoá, môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế

Bài 15: Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia

Bài 16: Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới và hợp đồng thương mại quốc tế



Link Hoc va de thi 2024

Chuyển đến thanh công cụ