Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ETS và NXB Dân Trí vừa ra mắt độc giả cuốn “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục”, tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao…) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm.
1. “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục” dựa trên khẳng định rằng, công cuộc đổi mới giáo dục đầy thách thức đòi hỏi việc phổ biến rộng rãi một góc nhìn khác ít phổ biến hơn so với quan điểm của công chúng: Góc nhìn và những đúc rút từ các nhà lãnh đạo đã và đang triển khai những cuộc cải cách đầy khó khăn.
Thay đổi để giáo dục trở nên có ý nghĩa hơn là một “bài toán hại não” mà không tồn tại một lời giải đơn giản nào. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường học hỏi càng nhiều càng tốt từ những người đã từng có kinh nghiệm thực tiễn đối mặt với những nhiệm vụ tương tự. Giáo sư Lê Anh Vinh, phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, và ông Hoàng Anh Đức, CEO Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia, đồng thời cũng là hai dịch giả của cuốn sách cho rằng: Độc giả của “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục” không nên giới hạn trong đội ngũ các nhà lãnh đạo giáo dục, mà nên mở rộng đến tất cả những ai quan tâm đến giáo dục. Đóng góp lớn nhất của cuốn sách là đã minh bạch hóa các bài học xương máu. Bất kể đó là bài học về thất bại hay thành công, sự cáo bạch đó đều làm cho giá trị của mỗi bài học gia tăng nhiều lần. Cuốn sách cũng không phải là một giáo trình hay công thức để những Bộ trưởng Giáo dục có thể áp dụng và trở nên thành công hơn. Tuy nhiên, đây là một hạt mầm trân quý để nuôi dưỡng những tinh thần vì giáo dục, bất kể là một quan chức, một nhà quản lý giáo dục, một giáo viên, phụ huynh, hay các nhà giáo dục tương lai.
Tác giả biên tập của cuốn sách, Fernando M. Reimers, đã phác họa bản chất “hỗn độn” của những thách thức về chuyển đổi giáo dục, bao gồm: (i) Các thách thức luôn phức tạp, còn năng lực luôn hạn chế; (ii) Các thách thức mang tính hệ thống; (iii) Cải tổ giáo dục cần phải có thời gian; (iv) Mọi thứ đều xoay quanh con người; (v) Tư duy là điều tối quan trọng; (vi) Niềm tin là chìa khóa; và (vii) Nỗi sợ hãi là rào cản. Từ quan sát của mình, Reimers đã rút ra 10 nguyên lý đặc trưng cho cách thức giải quyết thách thức của các nhà lãnh đạo giáo dục. Trong đó, nguyên lý đầu tiên là về tính đạo đức của các nhà lãnh đạo; và nguyên lý cuối cùng kêu gọi bản thân các nhà lãnh đạo phải trở thành những người học tập suốt đời. Bên cạnh bài học thành công từ các nước phát triển, chúng ta cũng có thể thấy sự thành công bước đầu của những nước khó khăn như Ghana, Nam Phi hay Yemen. Đây thực sự là bài học quý báu dành cho các quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam, nơi mà các cải tổ giáo dục không chỉ nằm trong mối liên thuộc chính trị − xã hội, mà còn phải chịu áp lực của sự thiếu thốn nguồn lực, và thiếu thốn sự ổn định trong việc phân bổ các nguồn lực.
2. Fernando M. Reimers cho rằng, không có gì phải nghi ngờ, rất nhiều lợi ích có thể thu được từ việc nói chuyện với nhiều người có hiểu biết ở mỗi quốc gia để có thể “thấu hiểu mớ hỗn độn”. Dưới đây là năm nguyên lý được rút ra từ chính quá trình Reimers đọc những lá thư này, cũng như từ kinh nghiệm ba thập kỷ cố vấn cho các Bộ trưởng Giáo dục và các nhà lãnh đạo giáo dục ở quy mô lớn, và kinh nghiệm đào tạo nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo giáo dục về nghệ thuật và khoa học của tiến trình cải tổ giáo dục.
Nguyên lý 1. Sẽ không có thay đổi nếu không có thực thi. Sẽ không có chính sách tốt nếu nó không thể thực hiện, và các quan ngại để hỗ trợ việc thực thi cần phải trở thành một phần của quá trình hoạch định chính sách. Một cách đơn giản để tóm tắt nguyên lý này là: Chính sách là ý định, và việc triển khai, thi hành là những gì cho phép ý định đó tạo ra kết quả. Cuối cùng, Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về kết quả, không phải về các ý định.
Nguyên lý 2. Dẫn dắt thay đổi quy mô lớn là một môn thể thao đồng đội. Bạn không thể thay đổi cả hệ thống giáo dục một mình. Có rất nhiều cá nhân và tập thể tham gia vào những nỗ lực thay đổi. Ưu tiên hàng đầu là xây dựng bản đồ mô tả mối liên kết giữa các bên liên quan và xác định cách thức để tương tác với họ.
Nguyên lý 3. Không phải ai cũng nhìn nhận vấn đề theo cách giống nhau. Các mô hình tư duy là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được các thách thức giáo dục cần giải quyết, và cách thức để giải quyết chúng.
Nguyên lý 4. Học tập liên tục và thích ứng nhanh là điều thiết yếu. Bất kể quyết sách nào cũng là một giả thuyết theo dạng “Nếu chúng ta làm việc A, thì B sẽ xảy ra, và kết quả thu được là C”. Thế nhưng thực tại thường can thiệp vào theo những cách không ủng hộ giả thuyết ban đầu. Xây dựng văn hóa học tập đòi hỏi sự đầu tư vào các mối quan hệ, xây dựng niềm tin và tạo ra nhiều dư địa cho việc giao tiếp và phản hồi.
Nguyên lý 5. Hướng tới tương lai, không lãng quên quá khứ, luôn nhớ rằng thế giới đang đổi thay.
Cuối cùng, Fernando M. Reimers cho rằng, không có Bộ trưởng nào sẽ có nhiều thời gian như họ muốn, và thời gian mà họ có sẽ trôi đi rất nhanh. Việc phục vụ thế hệ trẻ là cấp bách, do đó, nó cần phải được ưu tiên và được đối mặt trực diện.