Tả cụ già đang ngồi câu cá bên hồ nước


Đề bài: Em hãy tả về một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ nước mà em đã có dịp quan sát bằng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Trên đường đi dạo cùng mẹ em đã tình cờ gặp một hình ảnh vô cùng đẹp. Đó là một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ nước trong tiết trời mùa thu se lạnh. Hình ảnh đó đã để lại trong lòng em những ấn tượng sâu sắc.

Cụ già câu cá khoảng ngoài bảy mươi tuổi, dáng người cao và gầy. Khuôn mặt cụ toát lên vẻ hiền lành, phúc hậu. Dù đã nhiều tuổi nhưng đôi mắt cụ vẫn còn rất tinh anh. Điều khiến em ấn tượng là mái tóc của cụ, dài và trắng như một ông tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Chòm râu trắng như cước thỉnh thoảng lại khẽ rung rung khi gió thổi qua. Trên tay cụ cầm một chiếc cần trúc dài và thẳng tắp, đôi bàn tay gầy guộc và nhăn nheo cầm chặt lấy cần, một tay kia đặt lên gối. Nhìn dáng cụ câu cá trông thật thoải mái, ung dung.

Hôm đó, cụ mặc bộ đồ bà ba màu xám trắng, tay cầm chiếc cần câu bằng trúc, lóng lánh dưới nắng mai hồng. Cụ trông thanh cao, giản dị và đầy chí khí. Tuy cụ đã ngoài bảy mươi nhưng khuôn mặt vẫn đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã hằn sâu những nếp nhăn. Mái tóc bạc phơ, nhìn cụ như một ông tiên nhân đức. Cụ già thong thả buông cần trúc xuống hồ sen. Trời nước lênh đênh, những chú cá chép lượn lờ trông mây dưới nước, đàn cá rô tung tăng đùa giỡn, cụ lay nhẹ cần câu, mặt nước hồ chao động. Đàn cá liếc mắt nhìn lên thấy chú giun cựa quậy dưới lưỡi câu, chúng lấy làm thích thú.

Không khí mát lạnh và trong lành thích hợp để câu cá. Đây là một thú vui tao nhã của tuổi già. Cụ già ngồi im lặng trước mặt hồ, vẻ mặt điềm tĩnh chứ không có vẻ chờ đợi hay hồi hộp. Khi thấy khẽ động dây câu, nhanh như chớp cụ giật mạnh chiếc cần. Một chú cá rô đã cắn câu, cụ khẽ mỉm cười rồi thả con cá nhỏ vào chiếc xô ngay cạnh đó. Em tiến lại gần phía cụ, cụ nhìn em bằng ánh mắt hiền từ và nói: “Để ta sẽ thưởng cho cháu một con nhé!”. Chỉ trong vài phút, một chú cá vàng đã cắn câu. Dây câu kéo lên, con cá vàng giãy giụa tìm cách thoát nhưng vô ích. Cụ lấy túi bóng đổ đầy nước và thả cá vào đó đưa cho em. Em nhận và cảm ơn cụ trong sự vui sướng ngập tràn.

Em vui lắm và thầm mong cho cá cắn câu. Cụ già như hiểu ý em, cụ cố nhìn con mồi. Cụ cũng mong có cá rô cho em. Bàn tay xương xương của cụ vẫn nắm chặt lấy cần câu. Bóng cụ trải dài dưới mặt nước trong xanh. Mấy cọng tóc bạc phất phơ trước trán. Cụ vẫn kiên nhẫn, đợi chờ. Lần này trông cụ lo lắng, không còn vẻ ung dung vì sợ em thấy thất vọng. Chú cá rô không cầm lòng trước miếng mồi ngon, chú đớp mạnh còn mồi rồi định tuôn chạy nhưng đâu còn kịp nữa. Chú đã mắc câu. Cụ già bung tay lên hất cần câu lên bờ hồ. Cụ mỉm cười rồi bắt cá bỏ vào chiếc bị cho em. 

Khi em chào cụ và ra về, cụ vẫn tiếp tục ngồi câu cá. Thỉnh thoảng từng cơn gió nhẹ lướt qua, những chiếc lá mùa thu rơi rụng lao xuống mặt hồ. Cụ già trong dáng vẻ thư thái tựa gối buông cần vừa giản dị lại vừa thanh cao. Hình ảnh đó đẹp như một bài thơ vậy.

Trở về nhà em đã thả chú cá vàng vào bể cá và nuôi. Mỗi khi nhìn thấy nó em lại nhớ về cụ già câu cá bên hồ nước. Hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí em khiến em không thể nào quên.

2. Bài văn mẫu số 2

Tôi là một người tò mò và rất hay để ý đến mọi vật xung quanh. Thấy điều gì lạ, tôi quyết tìm hiểu cho bằng được. Thế nhưng, có một điều làm tôi luôn băn khoăn và không thể lí giải được, đó là hình ảnh một cụ già cứ mỗi sáng lại đem cần đến câu cá ở cái hồ gần nhà tôi. Hình ảnh cụ ngồi câu toát lên một vẻ gì điềm tĩnh đến kì lạ.

Cái hồ gần nhà tôi rất sạch và đẹp. Nó không rộng lắm nhưng nhờ không khí trong lành nên nó vẫn thu hút cả phố đến tập thể dục vào mỗi sáng. Không chỉ vậy, cái hồ đó còn có khá nhiều cá nên có nhiều người đến câu. Có những người đến câu để cải thiện bữa trưa, có những người đến câu để giải trí.

Nhưng cụ già ấy đến đây câu ắt hẳn không phải vì hai lí do trên. Tôi biết điều đó vì gương mặt cụ không có vẻ gì là vội vã khi cá mắc câu. Và cụ cũng chỉ đi có một mình nên không là đi câu để giải trí, vui vẻ với bạn bè.

Việc câu cá của ông cụ là thế này. Sáng sớm, khi những người đi tập thể dục đến hồ thì cũng là lúc ông cụ chọn được vị trí ngồi cho mình. Cụ thường ngồi dưới một gốc cây to có bóng mát nào đó. Chọn được chỗ ngồi, ông liền bày ra những dụng cụ của mình. Một cái ghế xếp con con vừa đủ ngồi, một cái cần câu tay quay, một cái xô con có ít nước và một túi mồi. Đặt các thứ xuống, ông mắc mồi vào cái lưỡi chùm rồi hơn ngửa người ra sau hất rất mạnh cái cần, quăng chùm mồi cùng dây câu ra xa. Chùm mồi chạm nước làm vang lên một tiếng “bõm” nhẹ nhàng, mặt nước xao động, những vòn tròn đồng tâm lan xa. Xong xuôi, ông gác cần vào bờ, ngồi xuống, hai tay khoanh trước ngực, lặng im.

Bây giờ tôi mới có cơ hội nhìn ông kĩ hơn. Ông đã chừng bảy mươi tuổi nhưng dáng người còn khỏe mạnh, đậm chắc. Ông mặc bộ bà ba nâu kiểu của những cụ già Nam Bộ xưa. Và dù ông đội chiếc mũ nan rộng vành nhưng gương mặt ông, tôi vẫn nhìn rất rõ. Da ông hồng hào, gương mặt trung hậu, chòm râu bạc để dài đến ngực. Và nhất là đôi mắt sáng ngời, tinh anh nhưng luôn phảng phất một nỗi niềm u uẩn.

Đặt cần xong rồi, cụ ngồi im lặng như một bức tượng. Đôi mắt cụ nhìn đăm đăm về một nơi nào không biết. Dáng cụ ngồi đso trầm mặc quá! Có lẽ cuộc đời cụ trải qua nhiều thăng trầm và khi tuổi già đến, những lúc thế này là thời gian cụ chiêm nghiệm về quãnh đời đã qua, về những gì của ngày hôm nay và mai sau. Gương mặt cụ khiến tôi nhớ đến hình ảnh ông tôi những khi ông âm thầm ngắm bức tranh của bà nội.

Chợt chiếc phao khẽ động đây, làn nước bị quấy rối liền lăn tăn gợn sóng. Phải một lát sau, khi chiếc phao bị giật mạnh, cứ nổi lên lại bị giật xuống, ông cụ mới bừng tỉnh. Ông khẽ nhíu mày lắc nhẹ đầu, rồi rất từ tốn nhấc cần lên, quay trục dây khiến chú cá mắc câu tiến gần vào bờ. Một tay giữ lưỡi câu, một tay ông nhẹ nhàng gỡ chú cả ra, thả chú vào chiếc xô nhỏ. Ông lại mắc mồi và quăng dây câu lần tiếp.

Tôi thích nhìn ông cụ câu cá vào mỗi sớm mai như thế. Đã nhiều lần tôi có ý định đến hỏi chuyện ông nhưng lại nghĩ:hãy cứ để hình ảnh ông mãi là bí mật đối với tôi như vậy, có thể tôi sẽ có phút lắng mình để suy tưởng về mọi việc nhiều hơn. Hình ảnh cụ tạo cho tôi một tâm thế bình tĩnh để bắt đầu mọi việc trong một ngày mới.

3. Bài văn mẫu số 3

Thời tiết hôm đó khá đẹp, nắng rất nhẹ nhàng, không gắt gỏng; gương mặt của cụ già cũng tươi tỉnh dù cá không cắn câu.

Khi mặt hồ yên lặng, không có chú cá nào bơi đến cụ lại thong thả vuốt chòm râu dài và trắng phau. Mái đầu của cụ cũng đã bạc trắng, thêm chòm râu trắng nữa nên cụ trông giống như một ông tiên hạ trần thế. Phong thái bình tĩnh và điềm đạm của cụ lúc câu cá khiến cho em liên tưởng đến bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến. Nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng có dáng câu cá rất tao nhã và bình thản như vậy.

Cụ già rất kiên trì khi câu cá, lúc nào có động tĩnh, cụ cũng kéo cần câu rất nhẹ nhàng và điềm tĩnh để không đánh thức lũ cá đang bơi lội ở dưới kia. Bàn tay cụ khéo léo, kéo từ từ cần câu. Và lúc cần câu ngoi lên mặt nước thì có một con cá đã cắn câu. Đó là một con cá rô phi to bằng bàn tay người lớn đã bị mắc vào chiếc cần câu sắc nhọn. Chú cá ngoe nguẩy bên này sang bên kia để thoát khỏi bàn tay của ông cụ. Nhưng cụ đã rất nhanh nhẹn và khéo léo để bỏ chú cá xấu số vào chiếc giỏ đang treo ở xe.

Vậy là cụ già đã có một bữa tối ngon lành với chú cá rô phi xấu số kia. Có thể chú cá sẽ được vào nồi nấu canh chua hoặc kho lên với nghệ. Nghĩ đến em đã thèm rồi.

Hình dáng cụ già câu cá hôm đó khiến em vui vui, cảm thấy cuộc đời này có nhiều điều thật bình yên nhưng đáng trân trọng.

4. Bài văn mẫu số 4

Con người chúng ta trong cuộc sống có biết bao nhiêu là dáng vẻ đẹp từ những cái cao cả cho đến những thú vui ngày thường. Có những dáng vẻ của những anh bộ đội cụ Hồ dù trúng đạn nhưng anh vẫn chết trong tư thế đứng bắn thể hiện một vẻ đẹp bất khuất kiên cường. Và cũng có những dang vẻ của những người mẹ tần tảo nuôi con ru con không quản khó khăn mệt nhọc. Thậm chí khi một cụ già ngồi câu cá cũng để lại những vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của sự thanh nhàn, giải trí, cũng có thể là lao động của ông già ấy.

Câu cá là một thú vui tao nhã của những cụ già có thời gian. Nó đem lại niềm vui cho những người chân đã yếu, mắt đã mờ không thể lao động được nữa. Đương nhiên nói như thế không phải chỉ có những cụ già mới có thể câu cá mà tất cả những người có hứng thú với nó thì đều câu cá được.

Câu cá đòi hỏi sự kiên nhẫn cho nên những người già khi đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió của cuộc đời thì thường sẽ kiến trì hơn. Một cụ già đi câu cá dáng vẻ hiện lên thật sự rất đẹp. Trên mặt hồ với những ngọn sóng lăn tăn gợn những đám bèo xanh non to có, nhỏ cũng có trôi lững lờ tạo nên một nét đẹp quê hương vô cùng hữu tình. Và trên bờ hồ kia hay giữa dòng sông kia có hình ảnh con thuyền nhỏ có một cụ già ngồi tựa gối buông cần đợi cá cắn câu. Những chiếc radio được mở những bài nhạc quê hương cách mạng thật hay. Không khí thanh mát với những làn gió nhẹ nhàng cụ già ngồi trên thuyền nhìn chiếc cành câu để chờ cá cắn. Trong lúc chờ đợi cụ lại nhấp môi chén trà ấm nóng chẹp chẹp miệng như thưởng thức vị ngon của trà. Cũng có thể là cụ đang thưởng thức những thú vui tao nhã của bản thân mình.

Thế rồi dây câu bỗng nhiên dựt dựt ông lão vui mừng tươi cười. Nó không phải nét hớn hở mà nó là một nụ cười đủ thể hiện thấy cụ đã biết cá đã cắn câu. Cụ đã già thế nhưng nhanh như chớp cụ vội hất chiếc cành câu lên. Nhìn cụ bỗng nhiên trông cụ giống như một chiến binh chứ không đơn thuần là một cụ già nữa. Một chú cá to bằng bàn tay người lớn quẫy đuôi muốn thoát. Thế rồi cụ để nó vào một cái xô đã có nước. Cụ tiếp tục cho mồi vào lưỡi câu sắc nhọn ấy sau đó lại thả xuống mặt hồ và tiếp tục nhắm mặt tận hưởng những điệu nhạc quê hương và cụ lại tiếp tục nhấp môi chén trà ấy.

Cứ như thế cụ già cũng câu được những chú cá tiếp thế nhưng khi thôi cụ không mang chúng về mà phóng sinh cho chúng. Đối với tuổi già mà nói thì câu cá không phải để đem về ăn nữa mà chủ yếu đó chỉ là một thú vui tao nhã mà thôi. Hình ảnh cụ hiện lên thật thư thái thanh thản với cuộc sống thường ngày của bản thân mình.

——Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp——





Link Hoc va de thi 2021

Chuyển đến thanh công cụ