Bộ 3 đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 trường THPT Trần Quang Diệu


TRƯỜNG THPT

TRẦN QUANG DIỆU

ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2

NĂM HỌC 2021 – 2022

Môn: Ngữ văn 12

Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

 “Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chyên môn của mình.

Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được đâu là lương tri và phẩm giá của mình, đâu là lẽ sống và giá trị sống của mình; đâu là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó, mình sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác; đâu là “chân ga” (để giúp mình vượt qua bao đèo cao) và đâu là “chân thắng” (để giúp mình không rơi xuống vực sâu).

Ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp), đó là việc tìm ra mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, hiểu được mình giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất với “cái chất” con người mình. Khi làm công việc mà mình giỏi nhất, mê nhất và phù hợp với “cái chất” con người của mình nhất thì khi đó làm việc cũng là làm người, khi đó mình làm việc nhưng cũng là sống với con người của mình”

(Đúng việc, một góc nhìn về câu chuyện khai minh – Giản Tư Trung, NXB Tri Thức – 2015)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)

Câu 2. Hãy xác định câu chủ đề của đoạn văn bản. (0,5 điểm)

Câu 3. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)

Câu 4. Từ quan niệm về “con người chuyên môn” trong đoạn trích trên, anh / chị hãy trình bày suy nghĩ trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết. Một ý kiến khác kại nêu vấn đề: Xã hội ngày nay, sống tử tế là quá khó khăn.

Vậy anh/chị hiểu như thế nào là sống tử tế? Hãy trình bày quan điểm của mình về sống tử tế trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (4,0 điểm) Trong truyện ngắn Vợ nhặt cuả Kim Lân có đoạn:

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình.              Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo được cho con…May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

          Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả qua đoạn trích trên. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.

———–HẾT———–

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

– Phong cách ngôn ngữ chính luận

Câu 2:

– Câu chủ đề: “Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn của mình”.

Câu 3:

– Thao tác lập luận phân tích

Câu 4:

– Học sinh thể hiện kĩ năng viết đoạn văn; trình bày ngắn gọn suy nghĩ của bản thân về “con người chuyên môn” và định hướng nghề nghiệp của bản thân, có thể theo hướng:

+ Mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, sở trường của bản thân là gì, hiểu được và tin mình giỏi đến mức độ nào?…

+ Mình có thể phát huy năng lực, giỏi giang ở lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào?

Phần II: Làm văn

Câu 1:

– Nêu vấn đề

– Giải thích:

+ “Sống tử tế”: Sống tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình.

Ý kiến 1: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết: Sống tử tế thể hiện qua những việc tử tế, không loại trừ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhiều việc tử tế nhỏ góp phần thành việc tử tế lớn, làm phục hồi những giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp.

Ý kiến 2: Xã hội ngày nay, sống tử tế quá khó khăn? Đây là một thực trạng đáng suy ngẫm. Khi mà mọi vấn đề thực giả, tốt xất đều lẫn lộn.,…

– Bàn luận:

+ Khẳng định sống tử tế là rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi con người.

+ Ai cũng có cơ hôi làm được những việc tử tế nếu thường xuyên nghĩ đến nó, đến môi trường xung quanh chúng ta,…

+ Cần phê phán một thực tế: trong xã hội còn biết bao việc không tử tế.

– Bài học nhận thức và hành động

Câu 2:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

* Phân tích:

– Bà lão ý thức rõ cái éo le, nghịch cảnh cuộc hôn nhân của con bà.

– Bà tủi phận mình vì người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc ăn nên làm ra, còn con mình thì lấy vợ trong lúc đói kém, chết chóc đang bủa vây. Bà cũng hiểu ra nhiều điều: “Có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Cái cảm giác buồn tủi ấy đã biến thành giọt lệ: “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà đã rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Đó là dòng nước mắt xót xa, buồn tủi, thương cảm, đã chảy xuống bởi sự ám ảnh của cái đói, cái nghèo.

– Tuy có buồn tủi cho cuộc đời mình, cho cái số kiếp éo le của con mình nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng dần dần tan đi để nhường chỗ cho niềm vui trước sự thực con bà đã có vợ.

– Bà lão hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn giữa cái cảnh tối tăm của cái đói, cái chết với niềm tin vào cuộc sống, với cái triết lí dân gian “ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”.

* Đánh giá:

– Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

– Với năng lực phân tích tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái, giàu tình yêu thương.

ĐỀ THI SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

      Thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Đa số nhữngngười thuộc thế hệ trẻ còn phải chấp nhận một thực tế phũ phàng nữa là cuộc sống riêng tư không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đem lại cho họ toàn là những sự mãn nguyện vànhững niềm vui. Nói với thế hệ trẻ một cách đơn giản rằng nếu cố gắng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thì chỉ là nói cho có chuyện, là gây ảo tưởng cho những bộ óc ngây thơ. Một giáo sư triết học người Ba Lan nổi tiếng, ông Leszek Kolaczhowski đã từng nói: “Một nền văn hóa thực sự có giá trị là nền văn hóa giúp cho mọi người biết cách chịu đựng thất bại, bởi cuộc sống suy cho cùng không phải gì khác ngoài việc con người đi từ thất bại này đến thất bại khác”. Câu triết lí vừa dẫn có thể làm cho nhiều người lo ngại. Tuy nhiêncần phải ý thức được rằng những khái niệm như “thất bại”, “rủi ro trong suốt một đời”,muốn hay không, vẫn tồn tại như một phần cuộc sống. Nhà thơ Ba Lan Czeslaw Milosz, người được tặng giải thưởng Nobel văn học năm 1980, vừa kỉ niệm ngày sinh lần thứ 90 của mình, khi được hỏi: “Ông có nghĩ mình là người hạnh phúc hay không? đã trả lờigọn lỏn “không”. Câu trả lời làm mọi người suy ngẫm: Một người như ông ta còn nói thế,nói gì đến chúng ta, những con người hết sức bình thường”

(Trích “Nhà trường cần giúp đỡ người học có cách nhìn tươnglai đúng đắn” của TS. Nguyễn Chí Thuật, dẫn theo báo GD&TĐ, số 45, 46- 2001)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm). Tại sao tác giả cho rằng: “Thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một khíacạnh của cuộc sống” ?

Câu 3 (1,0 điểm). Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Nói với thế hệ trẻ một cách đơngiản rằng nếu cố gắng mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thì chỉ là nói cho có chuyện, là gây ảotưởng cho những bộ óc ngây thơ.” không? Vì sao?

Câu 4 (1,0 điểm). Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Cảm nhận về nhân vật Mị trong hai đoạn văn sau:

“Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vương ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”

“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…” Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

————-HẾT————-

 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

– Bởi lẽ, thành đạt trong nghề nghiệp chỉ là một phương diện, một phần của cuộc sống. Con người ngoài nghề nghiệp còn quan tâm, phấn đấu trong nhiều lĩnh vực khác. Và thành công trong nghề nghiệp không phải là tất cả đối với mỗi con người.

Câu 3:

– Nếu đồng tình cần lập luận theo hướng: Cuộc sống không bao giờ đơn giản, một chiều, mà nó là hành trình của những niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất bại. Có những việc bản thân đã nỗ lực nhưng vẫn không thể đạt được như bản thân mong mốn. Vì vậy, mỗi người hãy chủ động trước biến động của cuộc đời.

– Nếu phản đối, cần lập luận theo hướng: Có rất nhiều thử thách trong cuộc sống của con người, tuy nhiên bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, con người có thể vượt qua mọi trở ngại. Vì thế, đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Hãy sống lạc quan và tích cực. Thành công và hạnh phúc sẽ đến với những con người sống có ước mơ, và luôn suy nghĩ, hành động tích cực.

– Nếu vừa đồng tình, vừa phản đối, học sinh có thể kết hợp hai hướng lập lậun trên hoặc theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, thuyết phục, không trái với đạo đức và pháp luật.

Câu 4: Tham khảo một số thông điệp sau:

– Hãy biết vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

– Không nên tuyệt đối hóa sự thành đạt trong nghề nghiệp

– Biết cách chịu đựng, chấp nhận sự thất bại.

II. LÀM VĂN

Cảm nhận về nhân vật Mị qua hai đoạn trích:

Đoạn thứ nhất:

– Vị trí: Thuộc nửa đầu của đoạn trích trong SGK. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị cam chịu trở về nhà thống lí Pá Tra và chôn vùi tuổi xuân của mình trong địa ngục trần gian đó.

– Nội dung:

+ Hoàn cảnh sống tăm tối, bế tắc, tù túng.

+ Tê liệt về cảm xúc, mất dần ý thức về cuộc sống

=> Tố cáo tội ác của bọn địa chủ phong kiến miền núi.

Đoạn thứ hai:

– Vị trí: Thuộc nửa đầu đoạn trích trong SGK

– Hoàn cảnh dẫn đến sự thay đổi trong tâm trạng nhân vật ở đoạn văn thứ hai:

+ Thiên nhiên mùa xuân rực rỡ, tươi đẹp

+ Cuộc sống sinh hoạt vui tươi

+ Tiếng sáo gọi bạn tình

=> Tất cả đã khiến Mị – con người sống tê liệt về ý thức, tinh thần trở lại với những khát vọng sống mãnh liệt.

– A Sử dập tắt sức sống vừa mới trỗi dậy trong lòng Mị, hắn trói Mị trong buồng tối/

– Tâm trạng của Mị:

+ Cảm giác nuối tiếc quá khứ và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc từ đó dẫn đến hành động Mị vùng bước đi khi bị trói.

+ Chính hành động vùng bước đi “nhưng tay chân đau không cựa được” – đưa Mị trở về với thực tại” với hiện thực phũ phàng “chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách… và Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

* Đánh giá về nhân vật qua hai đoạn trích:

– Hai đoạn văn đã khắc họa nhân vật Mị ở hai thời điểm khác nhau trong cuộc đời làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Từ đoạn thứ nhất đến đoạn thứ hai là những vận động thay đổi âm thầm những mãnh liệt trong Mị. ( Từ trạng thái tê liệt cảm xúc đến cảm giác tiếc nuối quá khứ; từ trạng thái tê liệt về ý thức đến những khát khao về hạnh phúc; từ mất ý niệm về thời gian nay nhận thức rõ sự đối lập gay gắt giữa quá khứ, thực tại, nhất là cảm nhận về thực tại đau thương.

– Sức sống tiềm tàng mãnh liệt bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt

– Nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm phức tạp, điểm nhìn trần thuật chuyển dần vào nhân vật, chi tiết nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng.

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

“Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

– Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

– Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…”

(Dẫn theo songdep.xitrum.net)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Nêu chủ đề của văn bản trên? Đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 3. Trong cuộc sống, có phải lúc nào ước mong của cụ già về “một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi” đều trở thành hiện thực hay không?

Câu 4. Hãy nêu quan niệm riêng của anh/chị về một trái tim hoàn hảo?

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trong văn bản ở phần đọc hiểu:“Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Nam Cao) và nồi cháo cám của bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt (Kim Lân).

———————HẾT——————-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt: tự sự

Câu 2:

– Chủ đề của văn bản: Trái tim con người chỉ có thể đẹp nhất khi đó là trái tim biết yêu thương và san sẻ yêu thương.

– Nhan đề cho văn bản: Trái tim hoàn hảo, trái tim đẹp nhất,…

Câu 3:

– Trong đời sống, không hẳn lúc nào ước muốn “một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tin của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi” của cụ già đều trở thành hiện thực. Bởi lẽ, trái tim hoạt động theo cơ chế riêng của nó, không ai có thể ép buộc hay khuyên nhủ, chỉ khi trái tim thấy yêu thương thì nó mới san sẻ.

Câu 4:

– Nêu quan niệm của bản thân và cơ sở của quan niệm đó:

Ví dụ: Theo tôi, một trái tim hạnh phúc là một trái yêu đương và được yêu thương. Là khi trái tim ấy trao đi và nhận lại một phần tương tự. Nhưng nếu không được như vậy, một trái tim bao dung sẽ vẫn thấy hạnh phúc vì nó sẽ nhận lại được sự bù đắp từ những trái tim nhân hậu và đồng cảm khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

– Tình yêu là bản chất của trái tim con người. Tình yêu là sự trao và nhận yêu thương, sự quan tâm ân cần. Tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc, thường thì khi trao yêu thương người ta mong được đáp lại. Nhưng tình yêu không hẳn lúc nào cũng công bằng như thế, có người trao đi và không mong được nhận lại.

* Bàn luận

– Tại sao lại có người chỉ trao tình yêu mà không cần nhận lại?

+ Vì trái tim hoạt động theo qui luật của riêng nó, không phụ thuộc vào lí trí, nên đôi khi người trao biết là không thể ép buộc sự đền đáp của tình yêu.

+ Vì có những tình yêu cao thượng không trông chờ sự đáp lại.

Ví dụ: Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con, tình cảm ân cần, sẻ chia dành cho những người gặp khó khăn.

– Tuy nhiên, tình cảm cần chân thành, phù hợp. Có những tình cảm cần từ hai phía như tình yêu nam nữ, tình bạn. Nếu chỉ có một bên trao thì không thể có tình cảm đẹp.

* Bài học nhận thức và hành động:

– Cần biết trân trọng tình cảm của mọi người dành cho mình.

– Bồi dưỡng tâm hồn, trái tim để biết yêu thương, sẻ chia mà không phải lúc nào cũng được đền đáp.

Câu 2:

1. Giới thiệu chung

– Giới thiệu tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo và chi tiết bát cháo hành.

– Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện Vợ nhặt và chi tiết nồi cháo cám.

2. Phân tích

2.1 Hình ảnh bát cháo hành:

* Sự xuất hiện:

– Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.

* Về nội dung:

– Hình ảnh bát cháo hành thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí

– Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà lần đầu Chí được hưởng.

– Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí; gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình, Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hòa với mọi người, hi vọng một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí.

* Về nghệ thuật:

– Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.

– Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng của Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hóa tình người.

2.2 Hình ảnh nồi cháo cám:

* Sự xuất hiện:

– Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.

* Về nội dung:

– Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và thân phận rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.

– Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:

+ Bà cụ Tứ gọi cháo cám là chè khoán, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con. Ở bà hiện lên hình ảnh người mẹ nhân hậu, lạc quan và thương quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình người, nồi cháo tinh thần, nồi cháo của niềm tin, hi vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị.

+ Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Thị đã chấp nhận hoàn cảnh, đã sẵn sàng chấp nhận cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.

* Về nghệ thuật:

– Chi tiết góp phần bộc lộ tính các các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựac chọn chi tiết trong truyện ngắn.

2.3 Điểm tương đồng và khác biệt

* Tương đồng:

– Cả hai đều là biểu tượng của tình người ấm áp.

– Đều biểu hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội.

– Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

* Khác biệt:

– Bát cháo hành: biểu hiện tình thương mà Thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào đường cùng. Qua đó, thấy được bộ mặt tàn bạo của xã hội thực dân nửa phong kiến.

– Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, niềm tin, tình người. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy, ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng và sự đổi đời của nhân vật.

3. Đánh giá chung

– Khái quát và  mở rộng vấn đề

————-Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp————-





Link Hoc va de thi 2021

Chuyển đến thanh công cụ