Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Trung Thiên


TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRUNG THIÊN

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều trường hợp, sự chủ động rất quan trọng.Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.

Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.

Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.

Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm”.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi”  không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ.Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy.Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bờ bên trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử.Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa.Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó.Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được

(Người lái đò sông Đà – Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. Đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt: nghị luận (0.5 điểm)

Câu 2. 

Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua. (0.5 điểm)

Câu 3.

Có thể hiểu câu nói: chủ động không phải là tùy tiện, bạ đâu làm đó, mà họ đều có những dự tính. Người chủ động thường suy nghĩ chín chắn và hành động kiên quyết. (1 điểm)

Câu 4.

– Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần. (0.25 điểm)

– Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý. (0.75 điểm)

II. Làm văn

Câu 1. Viết đoạn văn về giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25 điểm)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25 điểm)

Giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận (1 điểm)

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giải pháp để phát triển sự chủ động của bản thân.

Có thể triển khai theo hướng:

– Xây dựng một kế hoạch công việc rõ ràng

– Tự tin trong mọi tình huống

– Không quay đầu lại trước khó khăn

– Quyết đoán trong suy nghĩ và hành động

– Có tinh thần cầu tiến và thái độ học hỏi….

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25 điểm)

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo (0.25 điểm)

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Có những thứ bạn tìm trên Google không thấy

Đối với nhiều người, cuộc cách mạng kĩ thuật số đã trao cho máy vi tính – máy tính bàn, máy tính xách tay và các thiết bị cầm tay – quyền kiểm soát. Con chíp silicon trở thành bá chủ, không phải vì các phương tiện truyền thông không buông tha ta mà vì chúng ta không thể dời xa nó. Tôi chẳng khác gì các bạn. Tôi cũng làm việc online. Tôi dùng trình duyệt để đặt chuyến bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, lên lịch cuộc hẹn, theo dõi chứng khoán và xem tin tức. Nhưng tôi không ngại chuyện phải ngắt liên kết. Điện thoại di động của tôi thường xuyên tắt. Ngoại trừ những chuyến công tác, bình thường tôi bỏ máy tính xách tay ở nhà. Thỉnh thoảng mấy ngày tôi mới kiểm tra e-mail một lần, đặc biệt vào cuối tuần. Đồng nghiệp nghĩ tôi là người cổ lỗ sĩ, nhưng tôi thấy vậy thật tuyệt.

Có hôm khi đang rảo bộ trong khuôn viên trường đại học Virginia, tôi vô cùng thích thú với tiết trời khô lạnh và những chiếc lá đang chuyển vàng, cam rồi sang đỏ. Nhưng tôi tự hỏi liệu các bạn sinh viên của trường có nhận thấy điều đó hay không. Mắt dán chặt vào màn hình, tay dính trên bàn phím, họ mê mẩn khám phá những chân trời vô hình, hoàn toàn quên lãng mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Tôi biết một số người có công việc hoặc hoàn cảnh đặc biệt buộc phải kết nối mạng 24/7. Nhưng với hàng triệu người khác thì không cần như vậy. Chúng ta có vẻ ngày càng lo lắng mỗi khi không kết nối được internet. Chúng ta sợ nếu không kiểm tra e-mail, không lướt web, không viết gì đó lên trang cá nhân thì bạn sẽ biến mất.

Những người bị ám ảnh bởi các thiết bị điện tử quên rằng họ có toàn quyền lựa chọn. Họ có thể dứt khỏi sự cám dỗ đó và tập trung vào sự vật/sự việc khác. Vậy bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời.

Các nghiên cứu tâm lí suốt hai mươi năm qua cho thấy nếu bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên, bạn sẽ tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nhìn chung nâng cao khả năng nhận thức hơn. Tại sao ư? Tôi không biết. Có lẽ như vậy là bình thường… hoặc thư giãn, cũng có thể trong gen con người đã quy định thế. Rõ ràng khi được kết nối lại với mọi người và vạn vật quanh ta, cảm giác thật là tuyệt! Mách nhỏ nhé, bạn không thể tìm thấy điều này trên Google đâu.

(Trên cả giàu có – Julia Guth – Giám đốc điều hành The Oxford Club)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã chỉ ra những lợi ích nào khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”?

Câu 3: Anh (chị) có đồng tình với giải pháp của tác giả những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử được nêu trong đoạn trích: “Bạn hãy làm một cuộc cách mạng quyết liệt đi. Tắt ti-vi. Tắt điện thoại. Và bước ra ngoài trời”.

Câu 4: Theo anh (chị) để trở thành người sử dụng kết nối mạng thông minh chúng ta cần phải làm gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

Câu 2: (5.0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12 tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 69-70)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ trên. Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để nhận xét về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước mất chủ quyền.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Những lợi ích nào khi “bạn đến những vùng thôn dã yên bình và gần gũi với thiên nhiên”: tập trung tốt hơn, nhớ lâu hơn và nâng cao khả năng nhận thức hơn.

Câu 3: Các em có thể đưa  ra ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm của tác giả nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục. Có thể lựa chọn quan điểm đồng tình với giải pháp của tác giả vì:

– Đó là giải pháp đúng đắn, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với những người bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử.

– Chúng ta luôn lệ thuộc và bị ám ảnh bởi thiết bị điện tử sẽ không cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống thực, dần dần sẽ trở nên vô cảm với thế giới xung quanh.

– Nghiêm trọng hơn nhiều người có thể mắc chứng bệnh tự kỉ, cuồng online…

Câu 4: Gợi ý tham khảo:

– Cần phải biết sử dụng kết nối mạng để phục vụ cho cuộc sống và công việc bởi vì kết nối mạng là công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Bởi, kết nối mạng đem đến cho chúng ta những lợi ích không nhỏ. Như: tìm được những thông tin hữu ích cho công việc và cuộc sống; thư giãn, giải trí; giao lưu, kết nối bạn bè…

– Tuy nhiên, đừng để kết nối mạng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, đừng quá chú tâm, lệ thuộc vào thế giới ảo, cần chú ý đến các mối quan hệ trong đời sống thực, cần có những trải nghiệm thực tế và biết quan tâm đến những người xung quanh.

II. Làm văn

Câu 1: Dàn ý tham khảo

– Mở đoạn: Xác định vấn đề cần nghị luận: Con người phải biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh.

– Thân đoạn: Triển khai vấn đề nghị luận

  • Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ con người cần kết nối với thế giới xung quanh để thấy được sự phong phú và giàu có cho cuộc sống.
  • Xuất phát từ thực tế thế giới ảo đang lấn át cuộc sống của mỗi con người.
  • Nhiều người đã và đang lệ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quên đi cuộc sống thực.

=> Dẫn đến, con người thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế; tâm hồn trở nên chai cứng, vô cảm, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm…

  • Chỉ khi biết kết nối với vạn vật và thế giới xung quanh thì con người mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực; tâm hồn trở nên phong phú và giàu có; biết trân quý cuộc sống…

– Kết đoạn: Vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức được sự cần thiết của việc kết nối với thế giới xung quanh; cần có những việc làm cụ thể để kết nối với mọi người và vạn vật xung quanh.

Câu 2: Gợi ý làm bài

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Đặc điểm hồn thơ: phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa.

– Tây Tiến tiêu biểu cho đời thơ, cho phong cách thơ Quang Dũng; một trong số tác phẩm thành công nhất viết về người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được viết vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Cảm hứng thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ (Tây Tiến).

– Đoạn thơ thứ 3 tập trung khắc hoa hình tượng người lính Tây Tiến

2. Cảm nhận về đoạn thơ:

2.1. Cảm nhận chung:

– Đoạn thơ tập trung khắc tạc bức tượng đài nghệ thuật về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng – một vẻ đẹp mang đặc trưng riêng của người lính trong thơ Quang Dũng.

– Tác giả không miêu tả một gương mặt cụ thể mà khái quát chân dung cả một đoàn binh.

—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

 

Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Tấm gương là người bạn chân thật suốt một đời mình, không bao giờ biết xu nịnh ai, dù đó là kẻ vương giả uy quyền hay giàu sang hãnh tiến. Dù gương có tan xương nát thịt thì vẫn cứ nguyên tấm lòng ngay thẳng trong sạch như từ lúc mẹ cha sinh ra nó. Nếu ai có bộ mặt không xinh đẹp thì gương không bao giờ nói dối, nịnh xằng là xinh đẹp. Nếu ai mặt nhọ, gương nhắc nhở ngay. Nếu ai buồn phiền cau có thì gương cũng buồn phiền cau có theo như để an ủi, sẻ chia cho người đỡ buồn phiền sầu khổ.

Là người, ai dám tự bảo mình là trong sáng suốt đời như tấm gương kia. Thiếu gì kẻ ác độc, nịnh hót, hớt lẻo, dối trá, có kẻ còn tham lam mà bảo trắng là đen, gọi xấu là tốt đấy sao.

Không một ai mà không soi gương, tư già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà. Soi gương nhiều nhất có lẽ là các chị chúng ta, những cô gái càng xinh đẹp thì càng thích soi gương.

Không hiểu ông Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có lúc nào soi gương để buồn phiền cho gương mặt xấu xí của mình, để rồi làm ra bài phú “Hoa sen giếng ngọc” nổi tiếng bao đời. Anh Trương Chi nữa, anh ngồi trên con thuyền lơ lửng mặt sông, có soi vào dòng nước để tủi cho khuôn mặt mình, nên đành gửi lòng vào tiếng hát cho say đắm lòng cô gái cấm cung và bao người khác nữa… thành câu chuyện đau buồn.

Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn.

Còn tấm gương bằng thuỷ tinh tráng bạc, nó vẫn là người bạn trung thực, chân thành, thẳng thắn, không hề nói dối, cũng không bao giờ biết nịnh hót hay độc ác với bất cứ ai.

(Băng Sơn, U tôi -Theo sách Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2015, tr.84, 85)

Câu 1. Chỉ ra đặc tính nổi bật của tấm gương được nêu trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Từ đặc tính của tấm gương, tác giả liên tưởng so sánh với điều gì trong cuộc sống? (0,5 điểm)

Câu 3. Thái độ mà tác giả muốn biểu đạt qua bài văn? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn”? Vì sao? (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Câu 2 (5,0 điểm)

“Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

– Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.”

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 8) 

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)

Câu 1: Đặc tính nổi bật của tấm gương được nêu trong đoạn văn: trung thực, chân thành, thẳng thắn, trong sạch, không biết nói dối hay nịnh hót, ác độc với bất cứ ai

Câu 2: Từ đặc tính của tấm gương, tác giả liên tưởng so sánh với tính cách, phẩm chất của con người.

Câu 3: Thái độ tác giả biểu đạt qua bài văn: biểu dương những con người trung thực, ngay thẳng, phê phán những kẻ xu nịnh, dối trá.

Câu 4: Các em có thể trình bày quan điểm riêng của mình là đồng tình hay không đồng tình

Ví dụ: Em đồng tình với ý kiến trên vì: Vẻ đẹp của hình thức bên ngoài vốn là một hạnh phúc của con người; nhưng vẻ đẹp của tâm hồn bên trong sẽ càng làm con người hạnh phúc hơn, nhất là khi gắn liền với lương tâm và sự tự trọng. Trong cuộc sống, con người cần biết quý trọng vẻ đẹp bên ngoài nhưng điều quan trọng hơn là phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đời sống tâm hồn, nhân cách.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1:

I. Mở bài:

– Xác định vấn đề cần nghị luận: cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn

II. Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận

a. Giải thích

– Tâm hồn con người là tổng hoà của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người.

– Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp của phẩm chất bên trong, là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người.

b. Bàn luận

– Nuôi dưỡng tâm hồn là điều rất quan trọng và thật cần thiết. Việc làm ấy cần được tiến hành thường xuyên và ngay từ khi còn nhỏ.

– Mỗi người có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhiều cách khác nhau:

  • Biết lắng nghe sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo
  • Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết
  • Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác
  • Biết cách sống mình vì mọi người, bản thân không bao giờ vụ lợi và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống
  • Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh
  • Biết chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được,… lời nói đi đôi với việc làm, hành động bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong…

– Làm thế nào để có một tâm hồn đẹp: Biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện

– Phản đề: Phê phán một số người hiện nay thường chỉ quan tâm đến vẻ đẹp hình thức, ra sức chăm chút cho vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài mà không quan tâm trau dồi vẻ đẹp tâm hồn (công, dung, ngôn, hạnh)

III. Kết bài: Bài học nhận thức

– Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức

– Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người.

– Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn. Trước đây. những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền tảng như Yahoo 360⁰ hay Facebook giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. Nhìn từ góc độ từng cá nhân như vậy thì quả đúng nhưng nhìn từ góc độ người tiếp nhận thông tin thì sao? Các tờ báo có uy tín, đáng tin cậy không bao giờ khinh suất đăng bày một tin chưa kiểm chứng nhưng từng cá nhân thì lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái được càng nhiều người đọc càng tốt. Có gì khoái hơn đảng vài câu mà hàng loạt người vào đọc, thích và chia sẻ, tin càng giật gân càng được chia sẻ nhiều. Đó là cơ chế đẻ ra tin giả, tin bịa. Điều đáng buồn là bản năng con người giúp lan truyền loại tin giả này, ai cũng muốn có gì đó mới lạ, độc, sốc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ nó vô hại vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa và lúc đó lại nghĩ mình chỉ là một cả nhân nhỏ xíu, đâu ai để ý.

(Trích Sống trong thời viễn tưởng? Chuyện người và máy, Nguyễn Vạn Phú, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr. 228) 

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0.5 điểm)

Câu 2. Theo đoạn trích, các nền tảng như Yahoo 360°, Facebook giúp ích gì cho con người? (0.5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được dùng trong các câu: Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn. Trước đây, những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền tảng như Yahoo 360° hay Facebook giúp trao quyền cho cả nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. (1,0 điểm)

Câu 4. Anh chị có đồng tình với quan điểm việc đăng tin giả là vô hại vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa không? Hãy lí giải vì sao. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1. (2.0 điểm)

– Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bản về trách nhiệm của cá nhân khi phát ngôn hoặc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Câu 2. (5.0 điểm)

Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường.

Tràng nhắc mẹ:

– Kìa nhà tôi nó chào u.

Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:

– Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả…

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?

Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 28-29)

Cảm nhận diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích, các nền tảng như Yahoo 360, Facebook “giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng với các tờ báo lâu đời khác”.

Câu 3. Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn trích là:

– “Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn”.

– “Một người bình thường có tiếng nói ngang bằng với các tờ báo lâu đời khác”.

Tác dụng:

+ Giúp câu văn sinh động, tăng tính gợi hình;

+ Cho thấy Facebook là nơi rất thuận lợi để các tin giả lan truyền;

+ Nhấn mạnh vai trò của trang xã hội có thể giúp tiếng nói, quan điểm của một người bình thường trở nên có tầm ảnh hưởng với xã hội.

Câu 4.

– Không đồng tình.

– Lý giải:

+ Dù cho tin giả chỉ được đăng trong một thời gian ngắn rồi xóa đi, nhưng với mức độ tương tác mạnh như trên Facebook, tin giả vẫn có thể đã bị sao chép và đăng lại ở nhiều tài khoản khác.

+ Những tin giả khi bị phát tán sẽ tác động xấu đến người đọc tin: gây hoang mang, lo lắng, có thể dẫn người khác đến những quyết định sai lầm.

+ Sẽ phải chịu trách nhiệm

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích dưới đây:

Trong bài diễn thuyết tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Liberty (Mỹ) năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã nhắn gửi:

Đừng từ bỏ, đừng lùi bước, và đừng bao giờ ngừng làm những điều mà bạn cho là đúng […] Các bạn hãy nhớ không có cái gì đáng giá trên đời này lại đến với ta một cách dễ dàng. Sống đúng theo các giá trị của mình có nghĩa là bạn phải sẵn sàng đối mặt với chỉ trích từ những người không đủ dũng cảm để làm những gì đúng đắn. Họ biết rõ điều gì là đúng, nhưng họ không đủ can đảm và nghị lực để làm điều đó. Đó gọi là con đường hẹp ít người dám đi. Tôi biết các bạn sẽ làm điều đúng, chứ không phải điều dễ dàng, các bạn sẽ sống đúng với bản thân, đất nước và niềm tin của mình,

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 2: Anh/chị hiểu “con đường hẹp ít người dám đi” được nói đến trong đoạn trích là gì?

Câu 3: Theo Tổng thống Donald Trump, khi “sống đúng theo các giá trị của mình”, con người cần phải làm gì ?

Câu 4: Anh/chị có cho rằng “sống đúng theo các giá trị của mình” là điều cần thiết không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm). Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Các bạn hãy nhớ: không có cái gì đáng giá trên đời này lại đến với ta một cách dễ dàng”.

Câu 2. (5,0 điểm) 

Mở đầu đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài giới thiệu nhân vật Mị:

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi công nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. 

Kết thúc đoạn trích, sau khi Mị cắt dây trói cứu A Phủ, nhà văn viết:

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vật chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn bằng đi, Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: 

– A Phủ cho tôi đi. 

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói: 

– Ở đây thì chết mất.

A Phủ chợt hiểu. 

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình. 

A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi. 

(Theo Ngữ văn 12,Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.4 và tr.14).

Phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi trong tâm lý của nhân vật này.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên: Đoạn trích trên có nội dung khích lệ mỗi con người hãy kiên trì theo đuổi lối sống đúng đắn và sống theo các giá trị của mình.

Câu 2:

“Con đường hẹp ít người dám đi” là lối sống của những con người dũng cảm, sống đúng theo các giá trị của mình dù biết cuộc sống ấy sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Câu 3:

Theo Tổng thống Donald Trump, khi “sống đúng theo các giá trị của mình”, con người cần phải:

“Sẵn sàng đối mặt với chỉ trích từ những người không đủ dũng cảm để làm những gì đúng đắn “nghĩa là phải có can đảm và nghị lực trong cuộc sống. Tránh lối sống không dám đấu tranh cho điều đúng đắn.

Câu 4:

– Con người cần “sống đúng theo các giá trị của mình”

– Nêu quan điểm: Đồng tình. Vì:

  • Chỉ có sống đúng theo các giá trị thì con người mới hoàn thiện được nhân cách.
  • Khi đó con người mới thanh thản, bình an trong tâm hồn và nhận được sự yêu mến, kính trọng của những người xung quanh.
  • Nếu mỗi người sống đúng theo các giá trị đó, xã hội sẽ tốt đẹp.

-> Vì vậy, sống đúng theo các giá trị là sứ mệnh, là trách nhiệm của con người với cuộc đời.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm).

– Giải thích: Cái đáng giá trên đời là một khái niệm rất rộng, là những gì tốt đẹp thuộc về tinh thần và vật chất mà con người đang có (như sức khỏe, sự sống, kiến thức, tình yêu thương, niềm tin …). Những điều đó không đến một cách dễ dàng mà bản thân con người phải trải qua quá trình nỗ lực, rèn luyện mới có thể đạt được.

– Khẳng định: Đây là ý kiến có ý nghĩa sâu sắc nhằm khích lệ con người kiên trì theo đuổi lối sống đúng đắn, nỗ lực để đạt được những gì tốt đẹp và biết trân trọng, gìn giữ nó.

—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Trung Thiên. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !



Link Hoc va de thi 2021

Chuyển đến thanh công cụ